Chính quyền thiếu trách nhiệm, hàng chục hộ nông dân có nguy cơ trắng tay

Những tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn khi chuyển sang loại cây trồng mới thay vì trồng lúa không năng suất, nhưng cây đến ngày thu hoạch thì hàng chục hộ dân ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam bỗng nhận được thông báo từ chính quyền phải phá bỏ do vi phạm trồng cây ăn quả trên đất hai vụ lúa. Quyết định này đã và đang khiến những hộ dân ở đây có nguy cơ trắng tay.

Theo ông Nguyễn Đức Khanh, nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh nhiệm kỳ 2013 - 2015, năm 2013-2014, thôn đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng cho bà con. Ngày 18/3/2014, tại cuộc họp tổng kết công tác chuyển đổi ruộng, UBND xã Tượng Lĩnh đã triển khai đến các thôn chủ trương sẽ cho chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa khó khăn sang trồng cây cạn. Ngay sau cuộc họp, một số hộ dân thôn Phù Đê đã gửi đơn xin được chuyển đổi cây trồng.

Tuy nhiên, trong thời gian dài đợi chính quyền xã Tượng Lĩnh xử lý đơn, nhiều hộ dân đã tự ý đưa cây ăn quả vào trồng và không thấy cơ quan quản lý nhắc nhở. Thế nhưng, đầu tháng 6/2016, các hộ dân này nhận được thông báo từ chính quyền xã Tượng Lĩnh, yêu cầu phải phá bỏ toàn bộ cây trồng do vi phạm trong việc chuyển đổi đất lúa. Nhiều hộ dân hoang mang lo lắng và đứng trước nguy cơ tay trắng.

Nhiều hộ đã vay ngân hàng từ 100-200 triệu đồng, thậm chí cả 500 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất, mua cây giống, khoan giếng tưới cây... giờ đây như “ngồi trên đống lửa”.

Chị Trần Thị Ngải, thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh buồn bã nói: “Gia đình tôi bắt đầu trồng cây ăn quả từ tháng 4/2014. Ngay trước lúc trồng cây ăn quả, chúng tôi đã làm đơn chuyển tới trưởng thôn để gửi đến chính quyền xã Tượng Lĩnh. Sau 1-2 tháng không nhận được hồi âm, chúng tôi đã triển khai trồng cây ăn quả. Đến thời điểm này, nhà tôi đã đầu tư vài trăm triệu đồng. Nếu tính tất cả các hộ dân ở xã Tượng Lĩnh đã đầu tư trồng cây ăn quả cũng khoảng hàng chục tỷ đồng. Chúng tôi đều muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nay bắt chặt hết thì biết sinh sống ra sao".

Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Lưu Giáo, xã Tượng Lĩnh chia sẻ, do khu vực này là đất cốt cao, trồng lúa phải đầu tư gấp 5-10 lần mới có thu hoạch lại phải bơm nước suốt ngày. Người dân đã mất nhiều công sức để san đất gò cao, gom các ngôi mộ lại mới được mảnh vườn rộng 7 sào trồng cây ăn quả. Đổ bao công sức, nay đang được thu hoạch mà phải chặt đi sẽ thiệt hại nặng cho các gia đình.

Thống kê của UBND huyện Kim Bảng cho biết, xã Tượng Lĩnh có 56 hộ dân vi phạm trồng cây ăn quả (nhãn, vải, chanh, ổi, táo...) trên đất hai vụ lúa với tổng diện tích gần 10 ha nằm rải rác ở 5 thôn: Phù Đê, Lưu Giáo, Thọ Cầu, Ấp và Quang Thừa.

Theo các hộ dân, việc tự chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang trồng cây lăm năm là vi phạm pháp luật đất đai. Nhưng việc vi phạm này cũng bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Khi người dân bắt đầu cải tạo đất, đưa giống cây ăn quả vào trồng trên đất lúa thì chính quyền xã Tượng Lĩnh và ngành chức năng huyện Kim Bảng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu.

Hàng chục hộ dân đã làm đơn gửi lên UBND xã Tượng Lĩnh để xin được chuyển đổi cây trồng. Thế nhưng, đơn gửi quá lâu mà không được xử lý nên nhiều hộ dân tự tiến hành cải tạo đất, đưa giống cây ăn quả vào trồng mà cũng không thấy chính quyền xã phản đối.

Đến cuối năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Bảng ra văn bản chính thức về việc quy hoạch chuyển đổi vùng trồng lúa khó khăn về nước sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Do không được chính quyền giải thích rõ cây trồng cạn gồm những loại cây gì, nên nhiều hộ dân tiếp tục đưa cây ăn quả vào trồng tại các khu đất cao.

Ông Tạ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thừa nhận, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, UBND xã đã thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn người dân trồng cây ăn quả trên đất hai vụ lúa. Hiện xã đã đề nghị cấp trên xem xét, tạo điều kiện để tránh gây thiệt hại quá nặng cho người dân.

Bà Phạm Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng cho rằng, đây là những sai phạm của chính quyền xã Tượng Lĩnh. Huyện Kim Bảng chưa nhận được đơn xin chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả của người dân xã Tượng Lĩnh. Đồng thời khẳng định, sự việc trên xảy ra là do có sự buông lỏng của cán bộ, chính quyền xã.

Huyện Kim Bảng đã chỉ đạo làm rõ các sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc quản lý nhà nước ở địa bàn cơ sở. Trước mắt, để xử lý vụ việc này, huyện Kim Bảng đã chỉ đạo xã Tượng Lĩnh làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp tục đối thoại để người dân hiểu được các vấn đề sai phạm.

Nếu các cấp chính quyền và ngành chức năng xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng làm tốt công tác quản lý thì sẽ không xảy ra việc 56 hộ dân trong xã vi phạm trong chuyển đổi cây trồng, trồng cây ăn quả trên một diện tích lớn đất hai vụ lúa. Tỉnh Hà Nam nên có giải pháp xử lý phù hợp, tránh cho người dân lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay nếu diện tích gần 10 ha cây ăn quả bị phá bỏ.

Thanh Tuấn (TTXVN)
Trắng tay vì mua nhà đất bằng “giấy tay”
Trắng tay vì mua nhà đất bằng “giấy tay”

Do mua bán đất bằng “giấy viết tay” và xây dựng nhà không phép nên nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã bị cưỡng chế, phá bỏ căn nhà mà họ đã mua bằng những đồng tiền tích cóp được từ công sức lao động vất vả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN