Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp để giải quyết việc làm tốt nhất cho người lao động.
Liên tục trong 2 năm 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung với nhiều nội dung thiết thực, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để công nhân, lao động đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là động lực để lãnh đạo các địa phương đối thoại, gặp gỡ công nhân lao động trong Tháng công nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 665, phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để chăm lo tốt hơn những quyền lợi thiết thân cho đoàn viên và công nhân lao động. Theo đó, Tổng Liên đoàn đã đầu tư xây dựng 3 thiết chế công đoàn đầu tiên tại 3 tỉnh là Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang.
Tổng Liên đoàn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khi đề xuất sửa đổi Bộ Luật lao động cần nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn, nhất là về vấn đề giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, bữa ăn giữa ca…; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10 của Luật Bảo hiểm xã hội về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động. Tổng Liên đoàn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động mua nhà ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các ý kiến tại buổi làm việc tập trung vào việc cần phối hợp, nghiên cứu để điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp; có biện pháp chế tại buộc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thành tích chung của kinh tế-xã hội đất nước, có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, người lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, triển khai nhiều thiết chế công đoàn hiệu quả; triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong đó có các cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động, mang lại nhiều ý nghĩa xã hội; động viên, khuyến khích người lao động thi đua lao động sản xuất, tạo sự lan tỏa tốt trong xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đời sống của người lao động được nâng lên, số vụ đình công, lãn công giảm, nhiều kiến nghị của người lao động từ Trung ương đến địa phương đã được tiếp thu, giải quyết; khẳng định thêm vai trò của các cấp Công đoàn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công đoàn đã tham gia góp ý kiến vào 182 dự thảo luật, nghị định, thông tư, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng thể chế của Chính phủ; thường xuyên quan tâm, chăm lo đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Các phong trào thi đua tập trung phát huy truyền thống của công nhân lao động, thi đua sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn quan tâm đến việc chăm lo, đảm bảo điều kiện làm việc và đời sống người lao động. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn tăng cường giám sát việc thực hiện các chỉ đạo, cam kết của Thủ tướng và Chính phủ với công nhân lao động.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực hơn nữa trong việc tham gia xây dựng thể chế, đặc biệt là việc đảm bảo quyền, lợi ích người lao động trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm cho người lao động trong đó có việc tham gia hướng nghiệp, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phong trào thi đua, tuyên truyền đẩy lùi các thông tin tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của người lao động, giai cấp công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó là chăm lo đời sống người lao động, trước hết là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả công tác giám sát xã hội, công tác thực thi pháp luật về lao động.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tốt hơn nữa các cuộc đối thoại, gặp mặt giữa Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành với công nhân người lao động để lắng nghe ý kiến, giải quyết các đề nghị, nguyện vọng của người lao động.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên một số nội dung phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, như việc ưu tiên lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn; vấn đề hỗ trợ kinh phí để tổ chức Công đoàn triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, lao động… Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp này, thể hiện sự quan tâm đến giai cấp công nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại buổi làm việc, cho ý kiến về việc xác định lộ trình thực hiện tiền lương tối thiểu theo vùng của người lao động theo quy định tại Điều 91, Bộ luật Lao động, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội đồng tiền lương quốc gia để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành mức tiền lương tối thiểu vùng theo chức năng, nhiệm vụ được giao sao cho đảm bảo hài hòa, hợp lý đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải quyết một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi Bộ Luật lao động cần nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn, nhất là về vấn đề giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, bữa ăn giữa ca…; chỉ đạo sớm ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10 của Luật Bảo hiểm xã hội về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động mua nhà ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thủ tướng yêu cầu các cấp Công đoàn phải chú ý hơn nữa đến việc bảo đảm điều kiện lao động, môi trường sống của công nhân, người lao động. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp phải phối hợp tốt hơn với tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động.