Những phát biểu tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng ngay trong những phút đầu giờ chiều nay của phiên họp về kinh tế - xã hội đã khiến không khí trên nghị trường thực sự sôi động.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong phiên họp sáng nay các đại biểu nói nhiều đến trách nhiệm của Chính phủ đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhưng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cần có sự chia sẻ với Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Dẫn câu nói của đại biểu Dương Trung Quốc: “Quốc hội phải đồng hành với Chính phủ”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm đồng hành thế nào?
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến trách nhiệm của cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Cơ quan hành pháp thì có trách nhiệm trực tiếp tạo ra xung lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các cơ quan khác không thể đứng ngoài cuộc.
“Ở đây, cơ quan lập pháp có đặc điểm rất nhiều người của cơ quan hành pháp có chức vụ rất cao ngồi ở đây. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì với hoạt động của Chính phủ, của các chính quyền địa phương.
Quốc hội hay cơ quan đại diện cho Quốc hội có vai trò trách nhiệm gì trong các vụ việc mà dư luận bức xúc, các điểm nóng của đất nước hay chúng ta đứng ngoài cuộc? Ví dụ như vụ Đồng Tâm, vụ sân golf Tân Sơn Nhất, vụ “xẻ thịt” Sơn Trà hay vụ phá rừng Phú Yên", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng dẫn ra việc tăng nhanh chóng các loại phân bón từ 7.000 loại lên 14.000 loại từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Việc tăng gấp đôi số lượng phân bón như thế, vậy người dân rơi vào "ma trận" phân bón.
“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, dân vô cùng bức xúc về phân bón giả, phân bón kém chất lượng, người dan làm sao phân biệt được 14.000 loại phân bón. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì chưa”, đại biểu tiếp tục nêu vấn đề.
Từ đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: Cơ quan dân cử đã làm tốt vai trò giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của bộ, ngành để xảy ra nhiều vụ việc về kinh tế -xã hội hay chưa, giá trị của việc giám sát như thế nào?
“Tôi thấy trong các báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cũng như trong dự thảo của nghị quyết chung ta không thấy vấn đề này, đặc biệt là lờ tránh những vấn đề về công tác cán bộ, nên tôi có sửa vào nghị quyết và sẽ gửi lại cho Uỷ ban Kinh tế để các đồng chí tập hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội", đại biểu cho biết.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, một số vụ việc có vẻ như “chìm xuồng” như vụ việc tại công ty Thuận Phong ở Đồng Nai về phân bón giả cứ "lờ lững mãi" mà không thấy các đoàn đại biểu Quốc hội lên tiếng hay vụ xâm hại tình dục cháu bé 1 tuổi ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) mà vụ này người ta lên tiếng mãi rồi.
Mặc dù vần còn ý kiến tranh luận nhưng đã hết 3 phút tranh luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp đã yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sẽ đăng ký tranh luận tiếp sau.