Đây là nhịp cuối cùng trong số 4 nhịp của cầu Ghềnh được đơn vị trục vớt tháo dỡ thành công để giao mặt bằng phục vụ công tác thi công xây dựng cầu Ghềnh mới.
Nhịp cầu Ghềnh cuối cùng được đơn vị trục vớt tháo dỡ thành công đưa lên sà lan đến nơi tập kết.
|
Cienco 1 cho biết, đối với nhịp cầu số 1 và số 4 do không bị đổ xuống sông và con nguyên vẹn, do đó đơn vị trục vớt đã không cắt nhỏ các nhịp cầu này mà tháo dỡ toàn bộ sau đó nâng lên sà lan đến khu vực tập kết.
Trước đó UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho giữ lại nhịp số 1 và số 4 của cầu Ghềnh để đưa vào bảo tàng.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cầu Ghềnh đã gắn bó với người dân Đồng Nai từ hơn 113 năm, trở thành biểu tượng văn hoá của người dân địa phương, do đó tỉnh muốn giữ lại một phần cầu Ghềnh để đưa vào bảo tàng.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước yêu cầu của tỉnh Đồng Nai, Bộ đã thống nhất và chấp thuận giữ lại hai nhịp số 1 và số 4 của cầu Ghềnh để tỉnh Đồng Nai lưu giữ.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhịp số 1 và số 4 của cầu Ghềnh đã được đơn vị trục vớt tháo dỡ các thanh đường ray và kết cấu dầm rồi cắt rời phần trụ tại các mố cầu, sau đó cần cẩu 500 tấn đã thực hiện việc nâng nhịp cầu lên sà lan có tải trọng lớn đang đậu sẵn dưới sông.
Sau khi nhịp cầu được đặt ổn định trên sà lan, nhịp cầu số 4 được chở đến bãi đất trống thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hoà để tập kết.
Trước đó, trưa ngày 20/3, cầu hai trụ số 2 và 3 cầu Ghềnh bị sà lan chở cát đâm sập xuống sông Đồng Nai khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt.
Sau sự cố, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xây cầu Ghềnh mới với kinh phí gần 300 tỷ đồng theo tình huống khẩn cấp. Hiện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã khởi công xây dựng, dự kiến đến tháng 7/2016 cầu mới sẽ hoàn thành để nối lại tuyến đường sắt bị gián đoạn.