Góp ý Dự thảo Luật, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến yêu cầu các điều khoản trong Dự thảo Luật phải thống nhất, tương thích với pháp luật liên quan, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, theo Luật sư Trương Thị Hòa, cần bổ sung khoản 3, Điều 3 (Áp dụng pháp luật) quy định “Trong trường hợp liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong lĩnh vực điện lực thì áp dụng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, để tương thích với nội dung quy định tại Điều 3 của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện hành; đề nghị sửa khoản 2, khoản 3, Điều 7 quy định về “Trộm cắp điện”, “Trộm cắp, phá hoại trang thiết bị điện”, vì quy định này không tương thích với Điều 2, Bộ Luật Hình sự.
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung Điều 5 (Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực) thêm nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng giữa khách hàng sử dụng điện với tổ chức hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện khi ký kết hợp đồng bán buôn điện, bán lẻ điện. Vì theo bà Trương Thị Hòa, trên thực tế hiện nay, nguyên tắc giữa bên bán điện và khách hàng sử dụng điện không đạt được sự bình đẳng.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, cụ thể, thống nhất các khái niệm, từ ngữ trong Dự thảo Luật như “khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao” và “khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng lớn”; giải thích từ ngữ “khách hàng sử dụng điện”; “hàng rào điện”…
Ông Trần Minh Hóa, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo pháp luật hiện hành, quan hệ giữa người mua điện và người bán điện là quan hệ dân sự, tuân theo những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật dân sự. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi các cụm từ “trộm cắp điện” tại Điều 4 và Điều 7 thành “gian lận trong sử dụng điện”, để tránh tình trạng “hình sự hóa quan hệ dân sự” và để thống nhất với Bộ Luật Hình sự.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Minh Hóa, hiện nay Việt Nam đang trong xu hướng chuyển đổi giao thông xanh, phát triển phương tiện giao thông chạy điện, đòi hỏi có hệ thống hạ tầng đồng bộ, trong đó có các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông. Vì thế đề nghị nên có điều khoản trong Luật quy định về giấy phép hoạt động điện lực của trạm sạc điện; quy chuẩn tiêu chuẩn kiểm định, đo lường, an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với trạm sạc điện; làm rõ việc quy hoạch trạm sạc điện cho phương tiện giao thông thuộc quy hoạch giao thông hay quy hoạch phát triển điện lực…
Trong khi đó, Luật sư Lê Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh lại quan tâm đến vấn đề thu hút nguồn đầu tư quốc tế cho các dự án phát triển năng lượng quốc gia và đề nghị khoản 13, Điều 5 và Điều 28 của Dự thảo cần được bổ sung thêm cụm từ “các dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực năng lượng”; cơ chế đảm bảo (Điều 28) cần bổ sung thêm các nội dung theo thông lệ quốc tế để có thể thu hút được nguồn vốn quốc tế trong thực hiện các dự án quốc gia trong lĩnh vực năng lượng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề giải thích từ ngữ, làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng mua bán điện; các nội dung đảm bảo an toàn khi sử dụng năng lượng điện sau công-tơ; quy định về miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực đối với Ban quản lý chung cư…