Khảo sát, góp ý hoàn chỉnh dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Ngày 30/7, Đoàn khảo sát do ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tạ Đình Thi cho biết, dự kiến Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay. Đây là một trong những Luật có tính chất kinh tế, xã hội, kỹ thuật rất khó, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cần Thơ là một trong 6 tỉnh, thành phố được chọn để khảo sát vì đây là một trong những địa phương có đà phát triển mạnh mẽ hiện tại và trong tương lai gần. Thành phố là nơi tiêu thụ điện lớn nên việc bảo đảm an ninh năng lượng cho địa phương ngày càng cấp bách. Đây cũng là địa phương có nhiều mô hình phát triển năng lượng điện như: năng lượng tái tạo, điện khí, điện rác, điện mặt trời… Mục đích của cuộc khảo sát là lắng nghe ý kiến, đề xuất từ địa phương, các cơ quan, đơn vị, giúp cho việc thẩm tra xử lý và hoàn chỉnh dự luật.

Trưởng đoàn công tác cho biết, qua khảo sát và làm việc tại thành phố Cần Thơ cho thấy, phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn trong việc điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt các chương trình, dự án về điện, cần làm rõ trách nhiệm của Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị trong khi pháp luật quy định không rõ.

Qua khảo sát cho thấy, việc phát triển năng lượng tái tạo, tiềm năng, lợi thế của các địa phương rất lớn nhưng chưa có đủ cơ chế để phát triển, cần quan tâm xử lý. Ngoài ra, liên quan đến các hợp đồng mua bán điện tại các địa phương cần quan tâm giải quyết trong dự luật. Đối với các dự án năng lượng trọng điểm cần có giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai…

Trưởng đoàn giám sát ghi nhận những ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) của thành phố Cần Thơ đồng thời yêu cầu thành phố sớm tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo để gửi cho Đoàn. Bộ Công Thương sẽ tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của thành phố Cần Thơ nhằm góp phần tốt nhất để dự luật sau khi trình sẽ được Quốc hội thông qua.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thông qua cuộc khảo sát giúp thành phố tiếp thu nhiều ý kiến quý giá về góp ý cho dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, việc quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối gắn với chủ trương tiết kiệm điện hiện nay là chưa có quy định và cách thức thực hiện còn bất cập. Việc phân phối điện cho các địa phương còn bị khống chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ cấu biểu giá điện bậc thang cho sinh hoạt được nhiều cử tri trên địa bàn thành phố Cần Thơ phản ánh là không phù hợp do nhu cầu điện trong sinh hoạt ngày càng tăng cao…

Theo báo cáo của thành phố Cần Thơ, những năm qua, các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Điện thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển điện lực trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng theo Luật Điện lực, hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Phát triển các công trình điện trên địa bàn thành phố chủ yếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư. Hiện thành phố có Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I, công suất 660 MW; có 1.883 km đường dây trung thế và 3.829 km đường dây hạ thế cùng 10 trạm biến áp 110kV, có tổng dung lượng khoảng 873 MVA… cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân thành phố.

Về công tác an toàn điện, các đơn vị quản lý, vận hành công trình điện trên địa bàn thành phố Cần Thơ phối hợp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ an toàn công trình điện đúng quy định của Luật Điện lực.

Về tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố, hiện địa phương có một nhà máy đốt rác và phát điện, với công suất phát điện 7,5MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà đạt 81MWp và thực hiện theo chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai đầu tư xây dựng hệ thống điện theo Luật Điện lực trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả, song nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày càng tăng.

Về đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực điện lực, thành phố Cần Thơ nêu kiến nghị, Bộ Công Thương ban hành văn bản hướng dẫn công tác lập kế hoạch thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh để thống nhất với Luật Quy hoạch; văn bản quy định xây dựng và trình cấp có thẩm quyền về chương trình phát triển điện năng lượng tái tạo, chương trình tiết kiệm điện để thống nhất với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cho phép UBND cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển điện lực cấp tỉnh để thực hiện phương án phát triển mạng lưới cấp điện ở địa phương và phù hợp Luật Đầu tư công, Luật Điện lực sửa đổi…

Trước đó, ngày 29/7, Đoàn khảo sát đã khảo sát, làm việc thực tế tại Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco2), Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.

Bài và ảnh: Ngọc Thiện (TTXVN)
Sửa đổi Luật Điện lực: Tư nhân được làm truyền tải, xóa bỏ bù chéo
Sửa đổi Luật Điện lực: Tư nhân được làm truyền tải, xóa bỏ bù chéo

Bộ Công Thương vừa có tờ trình 4999/TTr-BCT đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) gửi Chính phủ; trong đó có nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay khi có nhiều thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển ngành điện, cùng đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nguồn năng lượng tái tạo.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN