Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến đóng góp cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, cho phép tư nhân đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải nhưng cần nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Theo đại diện Ban Quản lý Năng lượng, Tập đoàn T&T, hiện tập đoàn tham gia đầu tư mạnh vào điện gió, điện mặt trời với hàng nghìn MW. Lưới điện truyền tải hiện vẫn chưa có sự đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nên việc cho phép và thu hút tư nhân làm sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong các tuyến đường dây truyền tải.
Cùng quan điểm này, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, do đó chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền điện đươc đánh giá sẽ giúp nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải.
Bộ này đề nghị sửa đổi nhằm huy động mọi nguồn lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn” để giải toả công suất cho các dự án điện, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành. Sửa đổi lần này cho phép xã hội hoá để tư nhân đầu tư vào truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, không để lãng phí nguồn lực xã hội khi đã đầu tư các nhà máy điện.
Bộ Công Thương cho hay, khai thác năng lượng tái tạo rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì thế, đầu tư năng lượng tái tạo với hệ thống truyền tải và tích điện, lưu trữ điện năng sạch của các nhà máy điện tái tạo rất cần thiết. Theo đó, mục tiêu sửa đổi này là để tư nhân đầu tư trạm và đường dây từ 220 kV trở xuống, tuân thủ quy định về vận hành, điều độ, giá truyền tải điện do Tổng công ty truyền tải điện quốc gia quy định. Về quyền đấu nối, các nhà đầu tư phải đạt các tiêu chuẩn của ngành điện.
Nhiều nhà đầu tư đang rất mong chờ việc sửa đổi, giúp họ có thể tham gia vào lĩnh vực truyền tải điện. Tuy vậy, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, trong truyền tải điện, nhưng các khâu như vận hành, bảo dưỡng đường dây thì cũng liên quan đến truyền tải điện, nên phải có quy định rõ ràng. Nhà đầu tư tham gia thế nào, tới đâu cần có sự tính toán, cân nhắc để đảm bảo lợi ích của họ, lợi ích nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng.
Thực tế, việc cho phép nhà đầu tư tham gia lưới điện cũng đặt ra lo ngại thay vì “độc quyền nhà nước” trong truyền tải sẽ chuyển sang thành “độc quyền tư nhân”.
Theo chia sẻ của đại diện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), cần có quy định rõ ràng, tránh tình trạng khi muốn huy động thì nhà đầu tư tư nhân không hợp tác. Đã có trường hợp nhiều nhà đầu tư cũng tham gia làm trạm biến áp 110 kV, nhưng họ không cho các dự án của nhà đầu tư khác đấu nối, để đảm bảo lợi nhuận cho mình.
Theo ông Bùi Văn Kiên, đại diện EVNNPT, hệ thống đường truyền tải điện quốc gia nên chia làm 3 mức độ, trục xương sống 500 kV, trục khu vực 110 kV-220 kV và đường dây truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy vào hệ thống điện. Ở trục đường chính và khu vực, có thể để khu vực nhà nước; còn trục truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống có thể để các nhà đầu tư tư nhân.
Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc cho phép tư nhân đầu tư, thì cũng cần phải có những cơ chế pháp luật rõ ràng, thỏa thuận đấu nối… tránh những vướng mắc sau này.
Theo đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai, nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.
Quy định như trên chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể, phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và thuộc loại nào do nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện.
Ngoài ra, cần quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư. Về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật thì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và việc này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau.
“Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng, tránh gây ra hậu quả sau này”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cần có các cơ chế thu hút nguồn lực trong truyền tải điện, song phải tách bạch rõ độc quyền nhà nước trong vận hành, điều độ truyền tải để vận hành.
Theo Bộ Công Thương, có thể xác định được phạm đầu tư của khối tư nhân, cơ chế để họ thu hồi chi phí. Các đơn vị đầu tư quản lý vận hành có quyền, trách nhiệm như nhau về giá truyền tải, thu hồi chi phí, quản lý vận hành… Nhà nước sẽ nắm việc điều độ hệ thống, đảm bảo an ninh truyền tải, vận hành hệ thống điện…