Theo đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân, trong kế hoạch tái cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 mà các đại biểu thảo luận tại tổ sáng nay đã đặt ra vấn đề nhanh chóng giải thể các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, xem đó như là những chỉ tiêu pháp lệnh để chấm dứt tình trạng những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài.
Nhận định về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết đã nhận tài liệu dài 150 trang, nêu 10 chỉ tiêu, 10 nhiệm vụ trọng tâm, 70 đề án, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ban ngành . Báo cáo cho thấy sự công phu và quyết tâm cao của Chính phủ, với nhiều cụm từ nhấn nhiều lần như “kiên quyết”, “thực chất”, “đẩy mạnh”, “hiệu quả”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. |
Tuy nhiên, vấn đề là việc triển khai đề án tái cơ cấu thế nào. Để thực hiện được đề án phải có một sự đồng thuận, triển khai đồng bộ cho tất cả bộ ban ngành địa phương, phải thẩm thấu ý nghĩa quan trọng của đề án tái cơ cấu để chung sức thực hiện cho được đề án. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7%-7%, nâng cao GDP bình quân đầu người, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng xanh bền vững.
Cũng theo ĐB Ngân, trong kế hoạch tái cấu đã đề cập hình thành tổ công tác Trung ương để theo dõi quá trình triển khai đề án, trong đó vấn đề nhanh chóng giải thể các doanh nghiệp yếu kém cũng đã được đặt ra, xem đó như là những chỉ tiêu pháp lệnh để chấm dứt tình trạng những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài gây ra những phản cảm.
Đánh giá về kết quả đạt được về tái cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2011-2015, ĐB Ngân nhấn mạnh đã đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau khi rơi xuống đáy là 5,25% vào năm 2012. Tuy nhiên nhờ quá trình thực hiện Quyết định 02 của Bộ Chính trị, cũng như đề án tái cơ cấu thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần từ năm 2013, 2014, 2015. Trong suốt 30 năm đổi mới, tốc độc tăng trưởng bình quân GDP 6,6%, đứng thứ nhì thế giới.
Phân tích về những hạn chế, ông Ngân cho rằng sức cạnh tranh nền kinh tế hiện còn ở mức thấp; chất lượng thu hút vốn FDI chưa đạt được như mong đợi và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, thâm hụt ngân sách kéo dài làm cho nợ công tăng cao (dự kiến năm 2016 là 64,8%, sát mức trần). Vì vậy nới trần cho nợ công cho Chính phủ là cần thiết, nhưng trần nợ công cương quyết giữ 65%.
Theo ông Ngân, trong giai đoạn tới, cần ưu tiên phát triển thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển những ngành nhà nước không cần nắm giữ, từ đó thể hiện tính tự chủ của nền kinh tế. Đề án tái cơ cấu tới đây phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, phải làm sao để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển bền vững.