Sáng 25/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 6 tháng 2015. Đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tham gia cuộc họp. Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2015: Các Bộ mới trình được 3/10 dự thảo Nghị định, Quyết định; đề nghị không ban hành 1 Nghị định (đạt 37% kế hoạch).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã biểu dương kết quả đạt được của các Bộ, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Tính đến ngày 23/6, 289 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa năm 2015 đã thành lập Ban Chỉ đạo; trong đó, 127 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 44 doanh nghiệp có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và 61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa.
Ngoài cổ phần hóa, đã bán 2 doanh nghiệp, giải thể 1 doanh nghiệp, sáp nhập 1 doanh nghiệp, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên 3 doanh nghiệp.
Tổng số doanh nghiệp được sắp xếp, cổ phần hóa trong 6 tháng đầu năm 2015 là 68 doanh nghiệp. Một số địa phương, danh nghiệp đã sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả tốt như: Hà Nội (19 doanh nghiệp), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (5 doanh nghiệp), Nghệ An (4 doanh nghiệp)…
Các doanh nghiệp đã thoái vốn nhà nước 7.522 tỷ đồng, thu về 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách; đạt 15% số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải thoái vốn.
Các đơn vị đã làm tốt việc thoái vốn như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (thoái 2.655 tỷ đồng, thu về 3.169 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thoái 918 tỷ đồng, thu về 1.256 tỷ đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (thoái 596 tỷ đồng, thu về 783 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực (thoái 588 tỷ đồng, thu về 593 tỷ đồng)…
Về kết quả đấu giá bán cổ phần lần đầu, đến ngày 17/6, có 46 doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán với tổng số lượng cổ phần chào bán 557 triệu cổ phiếu, giá trị 5.576 tỷ đồng.
Số cổ phiếu bán được là 110 triệu cổ phiếu, đạt 19,7% tổng số lượng cổ phần chào bán. Ngoài ra, đến nay, đã có 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã báo cáo kết quả và những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 6 tháng 2015.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Đơn vị được giao thực hiện thoái vốn giai đoạn 2014 – 2015 là 27 công ty và sẽ hoàn thành kế hoạch trong năm 2015 đối với 26/27 công ty; riêng Công ty cổ phần dịch vụ vận tải đường sắt khu vực I (Tổng công ty năm giữ 40% giá trị) sẽ khó thực hiện công tác thoái vốn trong năm 2015 do công ty không hợp tác và hoạt động sản xuất kinh doanh yếu kém.
Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản việc thẩm định kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đối với 21/24 công ty. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tính đến 31/5, đã thoái vốn 847,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35% so với tổng giá trị thoái vốn; giá trị thu về 1.061 tỷ đồng, chênh lệch so với mệnh giá 274 tỷ đồng.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, thành phố đã hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa 16 doanh nghiệp; đã hoàn thành bán vốn nhà nước tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 466,71 tỷ đồng và giá trị bán 1.244,5 tỷ đồng, chênh lệch tăng 777,8 tỷ đồng…
Cũng theo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang gặp phải một số khó khăn như: Nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tài chính phức tạp, để thành công cần có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn và có tiềm lực tài chính.
Quy định về mức phí chi phi bán đấu giá cổ phần thông qua Sở Giao dịch chứng khoán còn bất cấp. Khó xử lý cổ phần không bán hết… Các đơn vị đề nghị: Đối với công tác thoái vốn, trong trường hợp, các công ty cổ phần không có nhà đầu tư đăng ký mua, cho phép đơn vị tìm nhà đầu tư để bán thỏa thuận theo giá thẩm định.