Bội chi vẫn lớn
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 3 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng, cả quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 92 nghìn tỷ đồng, chi quý I ước đạt 277,59 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015.
Hoạt động giao dịch kế toán tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Trong khi đó, việc thu ngân sách vẫn gặp nhiều áp lực do thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có thu từ dầu thô giảm. Thu từ dầu thô quý I chỉ đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 54,6 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 27 nghìn tỷ đồng thì còn lại 27,6 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 81,3% so với cùng kì năm ngoái.
Duy chỉ có nguồn thu nội địa là khả quan, đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kì năm 2015. Đạt được con số này một phần lớn nhờ vào nỗ lực của ngành thuế khi thời gian qua đã đẩy mạnh thu nội địa như là giải pháp sống còn nhằm đảm bảo đủ nguồn thu. Ngành đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân khi làm thủ tục thuế. Thực tế, quý I vừa qua, cục thuế các tỉnh thành đã chỉ đạo chi cục thuế các quận huyện tổ chức tháng hỗ trợ người nộp thuế. Tất cả những trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình nộp thuế đều được nhân viên thuế tư vấn, giải đáp và cùng tháo gỡ.
Tuy nhiên, về cân đối NSNN, theo đánh giá của Bộ Tài chính, bội chi ngân sách vẫn ở mức cao và khó kéo giảm do nhu cầu chi cho đầu tư phát triển vẫn lớn. Cụ thể, chi đầu tư phát triển quý I là 46,67 nghìn tỷ đồng, đã tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi NSNN tháng 3 là 21,6 nghìn tỷ đồng, cả quý I là 47,08 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán năm.
Cân đối nguồn thu
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, để quản lý chặt chẽ chi ngân sách, Bộ sẽ kiểm soát để đảm bảo chi đúng chính sách; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, tổng kết, đi công tác nước ngoài, hạn chế mua sắm xe công, trang thiết bị đắt tiền và các khoản chi chưa thực sự cần thiết khác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin Tức về việc diễn biến giá dầu thời gian tới sẽ tác động như thế nào đến việc điều hành ngân sách của Bộ Tài chính, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, nguyên tắc trong cân đối NSNN đã được Luật NSNN quy định là Chính phủ giao và Quốc hội quyết định. Luật cho phép trong trường hợp ngân sách biến động quá lớn ảnh hưởng đến dự toán đã được Quốc hội quyết định thì được điều chỉnh dự toán ngân sách.
“Bộ Tài chính đã đưa ra phương án giá dầu với nhiều kịch bản khác nhau. Diễn biến giá dầu tác động trực tiếp đến thu ngân sách nên phải có phương án phù hợp. Như năm ngoái đã có 3 - 4 kịch bản được đưa ra, xác định thu ở đâu để bù vào việc giá dầu giảm. Năm 2015 có thuận lợi là kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP tăng 6,68%. Khi kinh tế phát triển thì thu ngân sách sẽ tăng lên bù cho phần giảm thu”, ông Tuế đánh giá. |
“Trong quý I/2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi và phát hiện khoảng 2.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng tập trung xử lý nợ đọng thuế. Kết quả đến hết quý I/2016 đã thanh tra 6.510 doanh nghiệp, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng. Tính đến tháng 3 năm 2016, tổng số tiền nợ thuế năm 2015 đã được thu hồi là 10.850 tỷ đồng.
Về việc liệu có phải điều chỉnh các chính sách thu để đảm bảo cân đối ngân sách 2016, ông Đào Xuân Tuế khẳng định: Muốn thay đổi các chính sách thu NSNN phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành chứ không phải theo biến động thực tế.
Đầu năm 2016 giá dầu đã có lúc xuống dưới 30 USD/thùng. Bộ Tài chính đã tính toán NSNN có cả phương án giá dầu xuống đến 20 USD. Nhưng hiện nay, giá dầu đã nhích dần lên, hiện đã ở mức 36 - 38 USD và cuối năm có thể lên 45 USD. Đó là tín hiệu mừng với thu ngân sách nhưng dấu hiệu này còn chưa bền vững.
Trong khi đó, mặc dù kinh tế quý I/2016 có tăng trưởng nhưng đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong quý I là hơn 20.000 doanh nghiệp. “Bộ Tài chính vẫn tham mưu Chính phủ điều hành ngân sách chặt chẽ hơn, đồng thời có giải pháp để đảm bảo sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định, từ đó ta có nguồn thu để đảm bảo cân đối ngân sách”, ông Tuế nói.