Thu ngân sách vượt qua mốc 100% dự toán

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2013, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đã vượt qua mốc 100% dự toán (816.000 tỷ đồng). Đây là kết quả bất ngờ vì tháng 6/2013, chỉ vài tuần sau khi nhậm chức,“tư lệnh”ngành tài chính đã phải đưa ra cảnh báo không hề mong muốn: NSNN có thể hụt thu tới 60.000 tỷ đồng.


Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh) về những nỗ lực của ngành trong năm qua.

 


Thưa Bộ trưởng, năm 2013 được xem là năm nhiều khó khăn, thách thức khiến nhiệm vụ tài chính - NSNN được giao là rất nặng nề. Nhìn nhận lại năm qua, Bộ trưởng có những chia sẻ gì?


Năm 2013 là năm đầu tiên sau nhiều năm, áp lực hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN là rất lớn. Mặc dù tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2013 đã có những dấu hiệu phục hồi song vẫn còn không ít khó khăn; kết hợp với việc thực hiện các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp đã khiến tiến độ thu ngân sách ở cả lĩnh vực nội địa và xuất nhập khẩu đều đạt rất thấp so với yêu cầu dự toán. Vì vậy, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, địa phương thì khả năng thu ngân sách năm 2013 sẽ hụt lớn, ảnh hưởng đến cân đối NSNN và ổn định kinh tế vĩ mô.


Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ để đánh giá đúng tình hình kinh tế cũng như đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; tăng cường đôn đốc quản lý thu ngân sách. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra thuế, chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế; phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm... Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ trình và được Quốc hội cho phép thu vào NSNN một số khoản thu đặc thù, như: Thu từ quỹ viễn thông công ích; thu từ cổ tức doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ... để tăng thu NSNN. Tôi đã chỉ đạo toàn ngành quyết tâm phấn đấu đến ngày cuối cùng, giờ cuối cùng trong năm để gắng sức hoàn thành chỉ tiêu.

 

Năm 2014 được dự báo là kinh tế còn khó khăn. Bộ Tài chính cần có những giải pháp ra sao để nuôi dưỡng nguồn thu, thưa Bộ trưởng?


Dự báo kinh tế năm 2014 có phần tích cực hơn (tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, tốc độ lạm phát khoảng 7%, xuất khẩu tăng khoảng 10%). Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, năm nay sẽ thực hiện một số điều chỉnh chính sách thu, qua đó làm giảm thu NSNN.


Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, trong đó có các giải pháp tài chính nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với cả thị trường trong nước và quốc tế để tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp mà trọng tâm là các đầu tầu kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty và DNNN.


Đối với chính sách thuế, năm 2014 là năm bắt đầu triển khai thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, Luật Thuế TNDN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư như: điều chỉnh giảm mức thuế suất xuống còn 22%, kể từ 1/1/2016 là 20%. Luật Thuế GTGT quy định bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Đây là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, qua đó giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế.


Có thể thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung hai luật thuế trên đã bao hàm nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và hiện đại hóa công tác quản lý thuế...


Thưa Bộ trưởng, việc quản lý chi NSNN theo hướng tiết kiệm, chống lãng phí nhằm bảo đảm ổn định nền tài chính quốc gia sẽ được thực hiện ra sao trong năm 2014?


Trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ chú trọng triệt để tiết kiệm chi, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết, điều hành bội chi NSNN năm 2014 trong phạm vi Quốc hội quyết định; tăng cường quản lý chi NSNN, hạn chế thấp nhất số chi chuyển nguồn sang năm 2015; điều hành chi trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, đúng chế độ quy định; lồng ghép các chính sách từ khâu phân bổ dự toán đến khâu tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, ngành còn kiên quyết cắt giảm, lùi thời hạn thực hiện đối với các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi: mua sắm trang thiết bị, tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, đi công tác trong và ngoài nước, các chi phí khác...; không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ sẽ quản lý nợ công đảm bảo đúng cam kết trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...


Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN