Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân nhưng so với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công của Quốc hội giao, vẫn còn nhiều vấn đề cần thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ những dự án, công trình nào đến nay chưa được triển khai, ách tắc ở điểm nào? Vì sao đến nay việc giải ngân vẫn chậm, nguyên nhân nào liên quan đến pháp luật đầu tư công? Các Bộ có kiến nghị gì trong việc hoàn thiện pháp luật để kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư công. Cùng với đó, cần làm rõ đâu là nguyên nhân trong quá trình tổ chức thực hiện, vì sao cùng một mặt bằng mà có bộ, ngành, tỉnh giải ngân cao, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất thấp. Phân bổ vốn, giải ngân chậm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả đầu tư công ngày càng giảm khó có chất lượng bền vững. Đây là nội dung cần làm rõ, công khai để dư luận giám sát - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ báo cáo rõ thực trạng, làm rõ trách nhiệm, không để tình trạng chung chung, kéo dài dự án; cam kết rõ ràng lộ trình giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm và thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020, tính đến tháng 4/2018, tổng số đã giao kế hoạch được 69.552,801 tỷ đồng trong 3 năm 2016-2018 (đạt 57,62% kế hoạch), đã giải ngân được 54.245,180 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch trung hạn được giao, nhiều nhiệm vụ chi cấp bách của Bộ chưa cân đối được kế hoạch, cần được bổ sung kế hoạch trung hạn. Cụ thể: thiếu vốn đối ứng các dự án ODA khoảng 3.028 tỷ đồng; các khoản nợ đọng thuộc trách nhiệm chi của ngân sách nhà nước nhưng chưa cân đối trong kế hoạch khoảng 21.150 tỷ đồng; vốn để tiếp tục triển khai 27 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đang thực hiện dở dang với tổng nhu cầu theo tổng mức đầu tư cần bổ sung khoảng 12.000 tỷ đồng...
Kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải khoảng 6.925 tỷ đồng, đạt 32,6% kế hoạch giao. Kết quả giải ngân chưa cao do trong tháng 1/2018 các đơn vị tập trung giải ngân kế hoạch 2017, tháng 2/2018 trùng với đợt nghỉ lễ, tết. Riêng các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ do kéo dài kế hoạch năm 2017 sang 2018 khá lớn (khoảng 2.335 tỷ đồng), các đơn vị tập trung hoàn tất thủ tục, kéo dài kế hoạch để giải ngân nguồn vốn này trước khi giải ngân kế hoạch năm 2018, do vậy, kết quả giải ngân kế hoạch 2018 đạt thấp. Hiện, Bộ đang đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân các dự án, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch năm 2018 được giao trong năm kế hoạch.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 được giao để chuẩn bị đầu tư 12 dự án, trong đó 10 dự án đã chuẩn bị đầu tư năm 2016 nhưng không được giao vốn thực hiện dự án do không cân đối được nguồn vốn; 2 dự án đã thực hiện chuẩn bị đầu tư năm 2017 và được giao vốn thực hiện dự án, gồm: Dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung và Dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị liên cơ quan các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ. Bộ đang thực hiện 79 dự án, trong đó, 48 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang và hoàn thành ngay trong giai đoạn 2016-2020 (42 dự án sử dụng vốn trong nước và 6 dự án sử dụng vốn ODA) và 31 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 (22 dự án sử dụng vốn trong nước và 9 dự án sử dụng vốn ODA).
Trong năm 2018, cơ bản các dự án thực hiện đảm bảo tiến độ theo phê duyệt, dự kiến hết năm sẽ thực hiện và giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, một số dự án sau gặp khó khăn trong triển khai và không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2018 được giao. Điển hình như một số Tiểu Dự án thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long do từ đây đến hết năm chỉ tiến hành thanh toán tạm ứng các gói thầu đạt khoảng 50% kế hoạch vốn được giao nên khả năng sẽ không giải ngân hết 100% kế hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát khả năng giải ngân của các dự án khác, xây dựng phương án điều hòa, điều chỉnh trong nội bộ nguồn vốn được giao của Bộ giữa các dự án. Trường hợp không có khả năng giải ngân kế hoạch được giao, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ điều chuyển số vốn nêu trên cho các bộ, ngành khác có nhu cầu. Tính đến ngày 14/5/2018, tổng số vốn giải ngân là 238/1.483 tỷ, đạt 16%, trong đó, vốn trong nước là 78/397 tỷ, đạt 19%; vốn nước ngoài: 160/1,086 tỷ, đạt 15%.
Tính đến 30/4/208, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải ngân được 2.151 tỷ, đạt 13,7%. Trước đó năm 2016, Bộ giải ngân được 9.991 tỷ đồng, đạt 91,9%; năm 2017, giải ngân 6.711 tỷ, đạt 81,8%. Kết quả thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 đáp ứng tiến độ, yêu cầu đề ra do chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước 2016, vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ, không có dự án khởi công mới. Năm 2017, vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện và giải ngân chưa đạt yêu cầu do giao chậm vốn đối với các dự án mở mới; vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng và trượt giá, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với 5 dự án chuyển tiếp theo Nghị quyết 726; vướng các quy định về đầu tư công. Đối với các dự án vốn trái phiếu Chính phủ, có 12 dự án dở dang, đang trong quá trình thi công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá (trong đó chủ yếu là tăng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, không có dự án nào tăng quy mô) nhưng không được bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020...
Có cơ chế giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tổng số vốn đầu tư trung hạn của ba Bộ: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020 là 303 nghìn tỷ, chiếm hơn 25% so với tổng số 1.200 nghìn tỷ vốn đầu tư trung hạn của ngân sách Trung ương, đó là chưa kể đến ba bộ còn quản lý một số chương trình mục tiêu quốc gia: về nông thôn mới, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh... Vì vậy, việc giao vốn, giải ngân, hiệu quả đầu tư công của ba bộ có ảnh hưởng lớn đến giải ngân, hiệu quả đầu tư công của ngân sách Trung ương và cả nước. Riêng năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải được giao trên 21 nghìn tỷ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 15,7 nghìn tỷ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 1,5 nghìn tỷ, đó là chưa kể vốn dư của Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh... Cần nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của giải ngân đầu tư công đối với ba Bộ, tuy nhiên việc giao vốn và tiến độ giải ngân của ba Bộ rất thấp kể cả qua báo cáo và số liệu của Kho bạc Nhà nước, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Đó là việc nguy hiểm, khó có thể chấp nhận - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng nói: Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là: vướng quy định pháp luật về đầu tư công, vướng về cơ chế chính sách... Nhưng cần khẳng định nguyên nhân về mặt chủ quan là chủ yếu. Tại sao cùng một mặt bằng pháp luật, điều kiện kinh tế vĩ mô chung nhưng đến nay có nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện được một nửa kế hoạch năm. Không thể đưa ra nguyên nhân là do bộ máy thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết bởi đây là ba bộ có bộ máy "thiện chiến" và chuyên nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, cách tốt nhất là cần tính đến việc luân chuyển cán bộ, để đào tạo đội ngũ cán bộ mới, tránh tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm, không mẫn cán trong công việc. Ba Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc về vấn đề này - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhận định việc ba Bộ đạt được mục tiêu giải ngân 100% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là thách thức rất lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần có báo cáo chi tiết đối với việc thực hiện Nghị quyết 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, liên quan đến 43 dự án, trong đó 22 dự án do Quốc hội quyết định và các dự án khác theo thẩm quyền của Thủ tướng theo ủy quyền của Quốc hội, để báo cáo với Phó Thủ tướng trước 21/5/2018. Đồng thời, ba Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng ba Bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cần họp kiểm điểm trách nhiệm cuối tháng 5/2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có các hướng dẫn tình tự, thủ tục, thời gian của thủ tục thẩm định nguồn vốn.
Tinh thần chỉ đạo phải quyết liệt, có cơ chế giám sát kết quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức theo tinh thần ai trì trệ thì gạt sang một bên, thay thế kịp thời các cán bộ sai phạm liên quan đến giải ngân đầu tư; bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP để triển khai kịp thời, có kế hoạch đánh giá từng thời kỳ, phấn đấu giải ngân 100% vốn theo kế hoạch được giao - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính công bố công khai về tình hình, tiến độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương theo từng tháng để báo chí và người dân giám sát tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, trên tinh thần công khai minh bạch. Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, khảo sát để lập kế hoạch thanh tra toàn diện việc triển khai 43 dự án sử dụng vốn dư của Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 99 của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sớm báo cáo để Chính phủ có thể báo cáo với Quốc hội về nội dung này.