Cần cơ chế để cán bộ ‘không thể, không dám, không cần tham nhũng’

Theo Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), tham nhũng vặt liên quan nhiều tới cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, tạo điều kiện cho người thừa hành “nhũng nhiễu” doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số doanh nghiệp không có đạo đức kinh doanh, dùng các chi phí không chính thức như là một lợi thế kinh doanh.

Xung quanh vấn đề về tham nhũng vặt và chi phí không chính thức của doanh nghiệp, phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).

ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Ảnh: H.V

VCCI đã có nhiều cuộc điều tra về các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả. Qua điều tra, các doanh nghiệp phản ánh như thế nào, thưa ông?

Chi phí không chính thức là tướng đối phổ biến với môi trường kinh doanh hay đối với người dân Việt Nam. Chi phí này nằm ở nhiều dạng như: nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ; thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh; doanh nghiệp làm sai nhưng chi trả chi phí không chính thức để giảm nhẹ trách nhiệm của mình, để cơ quan nhà nước bỏ qua; hoặc doanh nghiệp dùng chi phí không chính thức để tạo ra lợi thế cạnh tranh…

Điều tra của VCCI trên diện rộng ở 63 tỉnh thành phố về thuế, hải quan… cho thấy, việc chi trả chi phí không chính thức của doanh nghiệp tương đối phổ biến. Đặc biệt, xu hướng này không có chiều hướng giảm qua thời gian, giảm chưa được như kỳ vọng. Điều tra trong năm 2016 cho thấy có tới 66% doanh nghiệp cho biết đã trả các chi phí không chính thức, đây là tỉ lệ khá cao.

Nguyên nhân nào dẫn tới việc rất nhiều doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức này thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như: thủ tục hành chính chưa chuyên nghiệp, còn nhiều phiền hà… khiến cho người dân nhiều khi không muốn trả các chi phí này cũng không biết làm cách nào để đẩy nhanh thủ tục hành chính. Còn đối với doanh nghiệp, ví dụ như một container của doanh nghiệp về cảng, chỉ cần một khâu gây khó dễ thì có thể container nằm tại cảng hàng tuần.

Đối với doanh nghiệp, khi hàng hóa bị ách tác thì phát sinh rất nhiều chi phí như: lưu kho bãi, vốn đọng… trong khi đó, cán bộ có quyền hạn rất dễ tác động để khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệm bị trễ nải. Điều đó cho thấy sự mất cân xứng giữa doanh nghiệp và các cán bộ công chức có thẩm quyền. Đây là cơ hội rất lớn cho hiện tượng nhũng nhiễu.

Vấn đề thứ hai là cơ chế giám sát chưa tốt, đây là yếu tố về con người. Một số doanh nghiệp phản hồi nhiều.

Thứ ba là chất lượng các quy định chưa thực sự minh bạch, rõ ràng. Chúng tôi nhận được nhiều đơn khiến nại của doanh nghiệp. Họ cho rằng rất khó thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, vận chuyển thép đi giao cho khách hàng. Khi bị công an bắt sẽ là vi phạm pháp luật, vì theo quy định hàng hóa phải có nhãn mác, tem… nhưng thép xây dựng bó nhỏ thì không có giấy tờ, nhãn mác. Hơn nữa là các mặt hàng này là cồng kềnh, … Do vậy, cứ ra đường là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, quy định xe lăn bánh phải có phù hiệu, muốn có phù hiệu phải có giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng có doanh nghiệp sản xuất chỉ có vài xe để chở nội bộ, họ không có ngành nghề kinh doanh vận tải, thì không có cách nào để có phù hiệu, ra đường sẽ bị phạt. Do vậy, họ muốn tuân thủ pháp luật cũng khó.

Thứ tư là văn hóa kinh doanh, một số doanh nghiệp kinh doanh không liêm chính, họ sử dụng chi phí không chính thức để lách luật, để được bỏ qua, giảm nhẹ hoặc thỏa hiệp. Ví dụ như thỏa hiệp về thuế.

VCCI sẽ làm gì để giúp đỡ doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng này, thưa ông?

Trước hết, phải tạo ra cơ chế để cán bộ Nhà nước không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Không thể tham nhũng tức là quy trình chính sách rõ ràng, người dân và cán bộ cùng hiểu và không thể làm sai, giảm xin cho để quy trình thủ tục hành chính không phụ thuộc vào sự diễn giải của cá nhân.

Không dám tham nhũng tức là có hệ thống phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn. Tức là có cơ chế để người dân khi thấy tham nhũng có thể dễ dàng tố cáo, người có nhũng nhiễu phải đối mặt với rủi ro lớn, bị hình thức kỷ luật nặng nề. Tình trạng này ở một số nơi còn mang tính đối phó.

Không cần tham nhũng là vấn đề lớn, liên quan tới chính sách, đãi ngộ cho cán bộ, hệ thống nhà nước để “sống khỏe”. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề tiên quyết, vì có nhiều công chức trong hệ thống họ vẫn làm việc trong sạch, không xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, về mặt lâu dài cần có cơ chế chính sách đảm bảo cho cán bộ đời sống.

Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp phải thấy rằng hành vi chi trả chi phí không chính thức là vi phạm đạo đức kinh doanh, để họ không được phép làm như vậy. Hiệp hội doanh nghiệp cần có có các quy chuẩn. Đó là hành trình dài nhưng Việt Nam phải tuân theo. Vì muốn cạnh tranh với các nước thì chúng ta buộc phải làm.

VCCI sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra để giúp Chính phủ giải quyết vấn đề này, tạo ra cơ chế công khai minh bạch, chuyên nghiệp, tiếp nhận phản hồi của người dân, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh/Báo Tin Tức (Thực hiện)
Tham nhũng vặt làm xói mòn lòng tin của nhân dân
Tham nhũng vặt làm xói mòn lòng tin của nhân dân

Chống tham nhũng không chỉ bằng việc phát hiện, xử lý nghiêm những vụ “đại án” mà ở cả những hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi”, tức là tham nhũng vặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN