Ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chi phí không chính thức cũng khiến doanh nghiệp thực sự đau đầu. Một doanh nghiệp dịch vụ vận tải (logistics) ở Hải Phòng cho biết, ngoài những khoản phí theo quy định của nhà nước, muốn các chuyến hàng ra vào suôn sẻ thì doanh nghiệp phải chi phí thêm nhiều khoản. Sau khi hàng được đóng xong, ra khỏi cảng di chuyển lên khu vực biên giới, doanh nghiệp phải mất thêm khoảng 2 triệu đồng tiền “đi đường”, khoản tiền này được khoán trực tiếp cho lái xe để lo lót trên đường đi. Như vậy, tính ra, ngoài những khoản quy định bắt buộc phải đóng cho nhà nước, doanh nghiệp mất thêm khoảng 2,5 – 2,7 triệu đồng/công hàng.
Xử lý người đứng đầu khi xảy ra sai phạmÔng Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho rằng, hội nhập kinh tế sâu rộng cũng ẩn chứa những điều kiện để tham nhũng phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là với những quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, quản trị không hiệu quả. Tham nhũng làm thất thoát các nguồn lực của đất nước, của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư công, xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp. |
Hiện nay, chưa có con số chính thức nào về tình trạng tham nhũng vặt ở từng ngành, lĩnh vực, nhưng thực tế, việc phải chi trả các khoản tiền một cách không chính thức để “công việc được giải quyết nhanh hơn” vẫn đang diễn ra. Việc cán bộ, công chức “nhũng nhiễu” khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ; thanh tra, kiểm tra để “vòi vĩnh”... vẫn còn, gây nhức nhối cho xã hội.
Theo Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội Phạm Đình Dũng, tham nhũng vặt không gây hậu quả lớn về kinh tế, nhưng tác hại gây cho cộng đồng, xã hội lớn. Tham nhũng vặt làm mất niềm tin lớn nhất của người dân, phá vỡ nhiều nhất nền tảng xã hội.
“Muốn chống tham nhũng thì trước tiên phải là chống tham nhũng vặt, tức là chống những cái “nhũng nhiễu vì vụ lợi”. Kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng sẽ hiệu quả”, ông Phạm Đình Dũng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hệ thống pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng đã có đủ các quy định và chế tài xử lý. Thậm chí quy định về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều hơn một số nước.
Nhưng từ xưa đến nay, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Cấp trên nhận hối lộ thì khó bảo được cấp dưới. Do đó, trong công tác phòng, chống tham nhũng, người đứng đầu phải gương mẫu. Người đứng đầu nhận hối lộ thì sẽ không bảo được nhân viên của mình và xảy ra tình trạng bao che.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, quan trọng nhất vẫn là xử lý người đứng đầu khi xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, đề phòng ngừa tham nhũng vặt cần có cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch, đi kèm với đó là chế tài để xử lý nghiêm sai phạm, đặc biệt là quy trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo phải quản lý nhân viên chặt chẽ, có quy trình giám sát. Trong xử lý hành chính phải làm theo quy trình, ví dụ khi xuất nhập khẩu hàng bằng container phải khai đúng quy trình, thực hiện đúng các thủ tục, không bỏ qua các quy định... Đặc biệt là hạn chế tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các đơn vị làm thủ tục hành chính.
Ông Phạm Trọng Đạt cũng cho rằng, nếu xảy ra sai phạm, người đứng đầu phải xử lý nghiêm người vi phạm, điều chuyển, xử lý hành chính hoặc buộc thôi việc dựa theo luật công chức, luật lao động. Vận dụng các cơ chế sát với luật. Đặc biệt, người có khuyết điểm không được điều chuyển lên các vị trí cao hơn.