Bệnh nhân khám dịch vụ tại bệnh viện Quận 2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Cải cách hành chính đã được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ tất cả các nội dung của Chương trình cải cách hành chính nhà nước bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế phù hợp với kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới cơ chế tài chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại hóa hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành và tăng cường chất lượng trong cung cấp dịch vụ công về y tế cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp.
Giảm thủ tục và thời gian chờ đợi Theo đánh giá của Chính phủ, chỉ số PAR INDEX, công tác cải cách hành chính của ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2015, Bộ Y tế đã vượt lên 9 bậc, đứng thứ 8/19 bộ, ngành, so với năm 2014 đứng thứ 17/19 bộ, ngành; năm 2016 đứng thứ 11/19 bộ, ngành. Đây là một trong những nỗ lực lớn của ngành y tế trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước những năm vừa qua.
Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ: Trong năm 2017, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính nhà nước. Cụ thể là đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đó là 2 dự án Luật Dân số và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, xây dựng và trình Chính phủ 12 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh của 19 ngành, nghề thuộc lĩnh vực y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế đã rà soát và cập nhật, công bố các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo đúng quy định. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã được ban hành và công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia là 488 thủ tục. Bộ Y tế cũng đã hoàn thành việc đơn giản hóa 222/225 thủ tục (đạt 98,6%).
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện đồng bộ các mục tiêu nâng cao chất lượng hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện được cải tiến và đơn giản hóa, giảm thời gian trung bình 48,5 phút so với trước đây. Khoa Khám bệnh được quan tâm đầu tư bàn, ghế, quạt, bảng đăng ký khám điện tử. Một số bệnh viện thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện, áp dụng Bệnh án điện tử, chẩn đoán qua mạng… giúp quá trình quản lý được minh bạch hóa, giảm thời gian, hiệu quả công việc cao hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế tuyến Trung ương đã giảm mạnh số phòng xuống chỉ còn 59 phòng trong các vụ, cục, văn phòng Bộ, thanh tra Bộ (giảm 38 phòng so với trước đây). Đặc biệt, hệ thống các văn bản hướng dẫn về hệ thống tổ chức y tế địa phương đã tương đối hoàn chỉnh theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc sở y tế các tỉnh/thành phố (CDC) trên cơ sở sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc khối dự phòng sẽ giúp gọn nhẹ bộ máy, giảm đầu mối lãnh đạo các đơn vị thuộc khối này.
Ngoài ra, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ đã xây dựng Thông tư liên tịch các quy định về tiêu chuẩn của 29 chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số, dinh dưỡng thay thế cho 37 ngạch viên chức chuyên ngành y tế, dân số trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế xây dựng quy định về tiêu chuẩn và quy trình, trình tự, thủ tục bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; ban hành chuẩn năng lực cơ bản và chương trình đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn năng lực cơ bản cho các đối tượng cán bộ lãnh đạo quản lý. Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, Bộ đã ban hành Thông tư 07/2014/TT-BYT quy định quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và người lao động.
Hiện nay, đã có 24% đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tự đảm bảo 100% chi hoạt động thường xuyên vì các bệnh viện đã được tính tiền lương trong giá dịch vụ; 69% đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên; 7% đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên (năm 2017). Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương, cũng đã có 1,3% tự đảm bảo 100% chi hoạt động thường xuyên; 57,5% đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên và 41,2% do ngân sách nhà nước cấp (năm 2015).
Về hiện đại hóa hành chính, đến nay 100% các dịch vụ hành chính công của Bộ Y tế đã được cung cấp ở mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, có 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 51 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống kết nối một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN về lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm và trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng đã xây dựng và triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại tất cả các đơn vị thuộc Bộ và hướng dẫn các đơn vị chuyển đổi sang phiên bản mới Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong năm 2018.
Phát triển công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Cải cách thủ tục hành chính của Bộ Y tế trong năm 2017 đã có nhiều chuyển biến và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thời gian tới, để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả hơn, Bộ Y tế tập trung vào công tác đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin ngành y tế. Trong đó có Thông tư quy định về ứng dụng bệnh án điện tử; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong ngành y tế và các văn bản hướng dẫn quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng các định mức chi trả cho hoạt động công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế; chi phí tin học hóa bệnh viện, hoạt động công nghệ thông tin trong bệnh viện và hệ thống giám sát điện tử vào trong giá dịch vụ thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Thiết bị máy móc hiện đại phục vụ khám, chuẩn đoán, làm xét nghiệm tại bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện. Bộ sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn; áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế vào các hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân (sử dụng ID của bảo hiểm xã hội làm ID y tế). Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện tuyến trung ương kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã/phường/thị trấn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế và ban hành các Thông tư quy định về giá dịch vụ y tế và các thông tư hướng dẫn khác để đồng bộ thể chế cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất với Chính phủ thực hiện cắt giảm trong 5 nhóm thủ tục hành chính của lĩnh vực an toàn thực phẩm gồm: điều kiện sản xuất-kinh doanh thực phẩm, công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm (cắt giảm 44/131 điều kiện kinh doanh thực phẩm, chiếm 14,1%); chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (giảm 5/8 thủ tục hành chính về cấp giấy chứng hận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, chiếm 62%); quảng cáo thực phẩm và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (cắt giảm 11/14 thủ tục hành chính chứng nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, đạt 78,5%)…