Các tỉnh phía Nam khẩn trương ứng phó bão số 16

Theo dự báo, từ chiều nay (25/12), vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão số 16 đi qua cấp 9. Hiện các tỉnh: Cà Mau, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang đã và đang nỗ lực ứng phó với cơn bão này.

Sinh hoạt của người dân tại nơi được bố trí để tránh trú bão số 16. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Cà Mau di dời 126.300 người đến nơi tránh trú bão an toàn

UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Chiều tối ngày 25/12,  tại các địa phương trong tỉnh, số người dân trong kế hoạch di dời vào nơi tránh trú bão an toàn đã nâng lên 126.300 người, tăng hơn so với kế hoạch vào sáng 25/12 là 98.000. Hiện nay, các huyện đã và đang tiến hành di dời được 55.000 người. Bên cạnh đó, đã thực hiện chằng chống nhà cửa được 89.361/104.074 nhà thuộc diện phải bảo vệ.

Hiện, công tác kiểm đếm, liên lạc các tàu cá đã được tỉnh Cà Mau thực hiện xong. Qua đó, đã liên lạc đầy đủ 3.465 tàu có công suất trên 20CV với 22.049 người hoạt động trên biển. Số tàu cá ven bờ đã kiểm đếm được 888 phương tiện và 746 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ đã vào nơi neo đậu an toàn. Theo thống kê, tổng số tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại địa phương là 1.330 tàu/7.998 thuyền viên.

Song song với đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai gia cố tạm 8 điểm sạt lở rất nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây với chiều dài trên 2.000m.

Cà Mau có tổng số có 28 hộ nuôi với 186 lồng với trên 21.000 con cá bớp. Hiện, ngành chức năng tại đảo Hòn Chuối đã cùng với người dân thu hoạch 2 lồng của 2 hộ với 500 con. Qua đó, số lồng còn lại sẽ áp dụng phương pháp đánh chìm vào thời điểm thích hợp để giảm nhẹ thiệt hại. 

Thực tế Cà Mau có vị trí 3 mặt giáp biển, nhiều cửa sông thông ra biển, đồng thời kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, kết cấu nhà dân thiếu vững chắc còn phổ biến nên có nguy cơ thiệt hại lớn khi gió mạnh nước dâng. Đồng thời, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan trước các diễn biến của bão khiến công tác chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.

UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, ngành chức năng các địa phương tiếp tục công tác kiểm tra, tăng cường quản lý các loại hàng hoá thiết yếu đảm bảo giá cả ổn định, không có tình trạng trạng găm hàng, đầu cơ chờ giá tăng để trục lợi. Trong thời gian sắp tới, tiếp tục theo dõi số tàu đang vào bờ, rà soát, giữ liên lạc với các tàu đang trú đậu ở các đảo, các tỉnh và ở nước ngoài. Đồng thời, triển khai kiểm soát, cấm phương tiện hoạt động trên các đoạn sông lớn, các cửa biển.

Mặt khác, triển khai sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông, trên biển. Hiện, ngành chức năng địa phương cần tập trung cứu hộ một tàu mang số hiệu BL 91286 TS đang mắc cạn tại cửa biển Vàm Xoáy.

Long An: Học sinh và công nhân được nghỉ học, nghỉ làm tránh bão

Đến 17 giờ ngày 25/12 đã di dời an toàn hơn 1.300 người dân. Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng chi cục Thủy Lợi tỉnh Long An, đây là những người dân sống ở những nơi xung yếu, ngoài đê của các huyện Cân Đước, Cần Giược, Tân Trịu, Châu Thành,...

Dự báo đường đi của bão. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Toàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ, ngày 25 đến hết ngày 26/12; tạm ngưng hoạt động tất cả các bến phà và cầu cầu Mỹ Lợi kể từ lúc 12 giờ trưa ngày 25/12; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Đước đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho công nhân trong các xí nghiệp, nghỉ làm kể từ ngày 25/12 đến khi hết bão số 16; tổ chức tuyên truyền trên bộ, trên sông cho người dân biết về khả năng ảnh hưởng của cơn bão ,  đảm bảo công tác hậu cần cho các điểm tiếp nhận di dời dân. Chuẩn bị các vật tư phương tiện như : Áo phao, máy phát điện, loa cầm tay, đèn pin, dụng cụ sơ cấp cứu.... bằng nguồn lực sẵn có của địa phương và trong nhân dân; hợp đồng với các chủ phương tiện vận tải (Cano, tàu thuyền, xe ôtô, xe gắn máy...) để sẵn sàng cơ động ứng cứu, hỗ trợ nhân dân di dời và khắc phục hậu quả. Ngoài ra, hướng dẫn người dân có biện pháp thu gọn, chằng chống các mô hình nhà màng, nhà lưới... thích hợp để giảm tác động gió giật; gia cố bảo vệ các ao nuôi thủy sản và thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản …khi cần thiết.

Tỉnh Long An đã huy động lực lượng dân quân thực hiện chằng chống nhà cửa cho gần 1.000 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bão.  huy động hơn 10 chiếc xe khách để hỗ trợ di dời dân; gia cố xong đối với những đoạn đê xung yếu.

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại Long An chưa có những thiệt hại về người và tài sản. Hiện Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng như lãnh đạo các ban ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo kịp thời khi có tình huống xấu do bão 16 gây ra.

Sóc Trăng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công điện khẩn thông báo  cho cán bộ công nhân viên, người lao động (trừ lực lượng trực ứng cứu phòng chống bão) được nghỉ 2 ngày từ 25 đến 26/12. Các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp bố trí lực lượng giữ gìn bảo vệ tài sản, an ninh trật tự ứng trực phòng chống bão.

Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đến động viên, thăm hỏi và trực tiếp mang nước uống, mì gói đến phục vụ cho bà con tránh trú bão ở thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Với tinh thần di dời càng nhiều dân vào nơi trú tránh an toàn càng tốt, chiều 25/12, tỉnh Sóc Trăng đã di dời được hơn 30.000 người vào hàng trăm điểm trú tránh bão an toàn, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ người dân kịp thời, cung cấp nước, thức ăn, thuốc men, khám chữa bệnh cho người bệnh tại chỗ. Tỉnh cũng có 1.198 tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ được tránh trú tại Côn Đảo, một số tàu trong chiều tối 24/12 đã trở về neo đậu trên sông Hậu gần cửa biển Sóc Trăng an toàn.

Liên tục từ sáng 25/12 đến chiều tối, tại tỉnh Sóc Trăng có mưa lớn, mặc dù gió chưa mạnh nhưng nguy cơ ảnh hưởng do mưa lớn dông lốc, lực lượng chức năng, các đơn vị vũ trang, giao thông, thủy nội địa liên tục tuần tra, tuyên truyền người dân vùng xung yếu di dời vào nơi tránh trú bão an toàn. Đến chiều tối 25/12, tất cả lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng vẫn chia địa bàn ứng trực, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương vùng xung yếu ven biển…

Tiền Giang gia cố khẩn cấp 4 đoạn đê xung yếu thuộc đê biển Gò Công

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết: Đến chiều 25/12, mọi công tác ứng phó bão số 16 đã hoàn thành và sẵn sàng theo phương án đề ra, kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất và đời sống nhân dân.

Tiền Giang đã tổ chức sơ tán được gần 35.000 dân ven biển đến nơi an toàn, kêu gọi vào nơi tránh trú bão 1.288 phương tiện với  3.440 ngư dân. Hiện nay, còn 70 phương tiện với 581 ngư dân đang hoạt động trên biển nhưng nằm trong vùng không nguy hiểm và vẫn giữ được liên lạc. Hiện tại chưa có sự cố về phương tiện đánh bắt liên quan đến bão số 16.

Mặt khác, tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ và các ngành, các cấp hỗ trợ gia cố khẩn cấp 4 đoạn đê xung yếu thuộc đê biển Gò Công với tổng chiều dài 115 m; chằng chống trên 5.300 căn nhà, cắt tỉa cành nhánh gần 1.200 cây xanh.

Cần Thơ chủ động ứng phó với bão

Chiều 25/12, UBND thành phố Cần Thơ có công văn số 4975 yêu cầu Giám đốc Sở và Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Thủ trưởng cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và Giám đốc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con dưới 15 tuổi đang công tác tại đơn vị được nghỉ làm việc từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12 để chăm sóc con. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất cũng như công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị và công tác chủ động ứng phó với bão số 16.

Quyết định được Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đưa ra sau khi chỉ đạo ngành giáo dục thành phố cho tất cả các sinh viên và học sinh nghỉ học từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12, nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức và người lao động nữ có thể an tâm chăm sóc con nhỏ trong thời gian các em được nghỉ học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em trong tình hình bão đang diễn biến phức tạp.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu sẵn sàng cứu nạn khi cần thiết

Sáng 25/12, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã kiểm tra công tác ứng cứu bão số 16 ở một số đơn vị trên địa bàn Vũng Tàu. Ông Sang yêu cầu, các đơn vị Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bảo đảm an toàn hàng hải, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng cứu tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.

Hiện nay, hơn 100 tàu neo đậu ở vùng nước Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý đã được di chuyển về khu vực neo đậu, bố trí ở sông Gò Gia. Chỉ còn duy nhất tàu Nasico Lion neo ở khu vực Bãi Trước do động cơ tàu không hoạt động từ lâu.

Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Vũng Tàu, Cảng vụ Đồng Nai đều có các đoàn kiểm tra, rà soát và hiện các tàu thuyền đã vào vị trí neo đậu an toàn. Ở khu vực Trà Vinh, các tàu thuyền đã vào khu vực sông Hậu neo trú bão, chỉ còn một tàu chở than trọng tải 22.000 tấn do mớn nước lớn và không dỡ được hàng. Hiện tàu đã vào neo đậu trong khu vực cảng phía trong các đê chắn sóng Bắc - Nam, đảm bảo an toàn. Khu vực Kiên Giang - Phú Quốc, toàn bộ tàu du lịch đã vào sông Dương Đông tránh trú bão...

Sáng 25/12, một du thuyền với 4 thuyền viên quốc tịch Thái Lan đã vào Côn Đảo tránh bão. Đồn Biên phòng Côn Đảo đã hướng dẫn phương tiện neo đậu tại khu vực Cảng Bến Đầm và đưa toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ.

Trà Vinh: Người dân tránh bão được cung cấp lương thực và thuốc men

Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết: Đến 16 giờ ngày 25/12, các địa phương trong tỉnh cùng lực lượng Quân sự, Công an đã hoàn thành việc giúp dân sinh sống tại các vùng ven biển, ven sông lớn, xã đảo, vùng cù lao di dời về nơi tránh bão an toàn.

Các địa phương có đông người dân phải di dời như: Thị xã Duyên Hải 2.605 người, huyện Châu Thành 1.058 người, huyện Trà Cú 2.252 người... Tại các điểm tránh bão, người dân được cung cấp đầy đủ vật dụng, lương thực, thực phẩm và thuốc men… Cùng với công tác di dân, lực lượng Quân sự cũng đã giúp dân thu hoạch cơ bản xong hơn 71.000 ha lúa Thu Đông; chằng chống xong 1.330 nhà cửa, gia cố bờ bao bảo vệ hơn 700 ha ao nuôi trồng thủy sản.

Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Đồng Văn Lâm đã có thông báo cho tất cả công nhân trên địa bàn tỉnh nghỉ làm từ 13 giờ ngày 25/12. Các lực lượng chức năng cùng tổ chức đoàn thể trực 24/24 tại địa bàn đã được phân công phụ trách để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến của bão số 16.

20.000 học sinh tại Kiên Giang nghỉ học tránh bão

Ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Ngày 25/12, huyện đã thông báo cấm tàu thuyền ra khơi và cho trên 20.000 học sinh 3 cấp nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết ngày 27/12. Ngoài ra, huyện còn cử nhiều đoàn công tác đến các xã, thị trấn giám sát, hỗ trợ người dân ứng phó với bão. Bên cạnh đó, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố bè cá, chằng chống nhà cửa và thống kê số người dân sống ven biển lên phương án di dời dân đến nơi ở an toàn...

Theo Thượng tá Lê Dũng Sỹ, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, đơn vị triển khai công tác phòng, chống đến tất cả lực lượng đang đóng quân trên địa bàn huyện Phú Quốc; tuyên truyền, vận động các tàu cá đang đánh bắt ngoài biển nhanh chóng vào bờ và tuyệt đối không cho tàu cá cũng như các tàu khách chở khách du lịch trên biển. Bên cạnh đó, kiểm tra, thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

 Tính đến chiều 25/12, các địa đã tổ chức di dời 3.000 người dân về nơi trú bão an toàn; khoảng 2.600 tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Vĩnh Long: Các KCN cho công nhân nghỉ làm tránh bão

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ 12 giờ ngày 25/12, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho công nhân nghỉ làm việc; các chợ hạng 1, hạng 2, chợ đêm trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đều dừng hoạt động; các bến đò, bến phà, bến khách ngang sông cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan và sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo. Riêng 2 bến phà Đình Khao và An Bình đến 18 giờ ngày 25/12 tạm ngưng hoạt động.

Bên cạnh đó, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và các đài truyền thanh phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão; phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết và chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão.

Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ban trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý các tình huống cấp bách.

Tỉnh đã tổ chức sơ tán và vận động hơn 2.390 hộ dân với hơn 3.800 người đến nơi an toàn; hơn 1.300 lồng bè được neo đậu chắc chắn để chống bão.

Hậu Giang: 18.000 người dân được di dời đến nơi tránh bão

Tính đến 17 giờ ngày 25/12, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công tác phòng, chống bão số 16. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh đã sơ tán khoảng 3.600 hộ với trên 18.000 người dân vào nơi trú ẩn an toàn, tổ chức chằng chống trên 14.500 căn nhà, thức ăn, nước uống đảm bảo cho người dân tại các nơi trú ẩn; các bến đò ngang, đò dọc đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.


Trong chiều 25/12, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 16 ở các xã Vị Tân, Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), thị xã Long Mỹ, xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A). Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Sáng 25/12, vẫn còn hiện tượng một số người dân chủ quan về cơn bão số 16, chưa chịu di dời về nơi an toàn. Trước tình trạng trên, các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa đi kiểm tra, vừa chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời.

Hiện nay, các lực lượng quân đội, công an tỉnh Hậu Giang đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện gồm xe thiết giáp, xe tải, xuồng cao tốc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi có lệnh. Ngoài ra, các phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến cũng được huy động để đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với các địa phương.

TP. Hồ Chí Minh: Mưa lớn kéo dài tại khu vực ven biển Cần Giờ

Tối 25/12, tại huyện Cần Giờ xảy ra mưa lớn kéo dài, ở những khu vực ven biển, sóng dâng cao ập vào bờ liên tục làm cho người dân Cần Giờ cảm thấy lo lắng.

Cụ ông Dương Văn Cung, 80 tuổi, ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ được công an thị trấn đưa vào trường trung học cơ sở Cần Thạnh trú ẩn nhưng nghe thông báo bão số 16 là bão mạnh có thể gây thiệt hại lớn vẫn cảm thấy lo lắm, sợ căn nhà cấp 4 ven biển không trụ được với sóng to gió lớn, sợ hư hỏng dụng cụ đánh bắt cá của các con thì gia đình sẽ khó khăn. Tuy nhiên hiện nay gia đình đã được trú ẩn ở nơi an toàn thì Cụ cũng thấy yên tâm.

Gia đình bà Châu Ngọc Lùng, ở khu phố Phong Thạnh vào trú bão tại trường trung học cơ sở Cần Thạnh cho biết: Gia đình gồm 5 người, trong đó có đứa cháu ngoại 4 tháng tuổi vào trú ẩn tại trường bởi căn nhà hiện giờ xuống cấp lắm rồi nên sợ không chống chịu được với bão, vào trú ẩn được phát cơm, nước miễn phí, có cả nước sôi để pha sữa cho cháu, người già và trẻ nhỏ được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Lợi, ở khu phố Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ gồm có 5 người cũng đã vào trú ẩn tại trường trung học cơ sở Cần Thạnh vì nhà ở ven sông nên sợ bão đổ bộ gây sạt lở ảnh hưởng đến ngôi nhà và tính mạng gia đình, khi có thông báo của thị trấn là cả nhà lập tức đến nơi trú ẩn. Gia đình bà sẽ trú ẩn tại trường cho đến khi có thông báo của chính quyền địa phương thì trở về dọn dẹp nhà cửa sau bão.

Theo lãnh đạo huyện Cần Giờ, khoảng 5.000 người dân ở khu vực có nguy cơ bị thiệt hại do bão số 16 được di dời tại chỗ đến các công trình kiên cố như trường học, trụ sở xã, thị trấn và nhà văn hóa. Huyện cũng đã cử lực lượng ra xã đảo Thạnh An hỗ trợ công tác di dời khoảng 800 người dân đến trú ẩn tại các công trình kiên cố.

Bên cạnh đó, hơn 1.000 phương tiện đánh bắt cá trên địa bàn huyện Cần Giờ cũng đã vào neo đậu an toàn từ vài ngày trước. Tuy nhiên, một số chủ tàu vẫn bày tỏ lo lắng bão có thể gây thiệt hại về tài sản trên tàu. Ông Trần Phát, chủ tàu đánh bắt cá xã bờ công suất 90 CV cho biết: Từ ngày 23/12, ngay khi nhận được thông báo bão số 16, tôi đã cho tàu vào neo đậu tại bến tàu Cần Thạnh, nhưng vì nơi đây có quá nhiều tàu đậu sát nhau sợ gió lớn gây va đập nên tôi đưa tàu vào trú ẩn tại cống Ba Trưa cách bến tàu 500m.

Ông Nguyễn Văn Thành, dù có hơn 40 năm kinh nghiệm đánh bắt cá vẫn không giấu nổi lo lắng về bão số 16. Ông Thành chia sẻ: Ngày 23/12, tàu đang đánh cá tại vùng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì nhận được tin bão số 16 nên khẩn trương trở về trú ẩn tại bến tàu Cần Thạnh. Tôi hy vọng tàu chống chịu được với sóng to gió lớn của bão số 16 để không phải tốn nhiều tiền sửa chữa tàu và trang thiết bị, dụng cụ đánh cá.

Tối 25/12, dù mưa to gió lớn, lãnh đạo huyện Cần Giờ vẫn cùng các đơn vị và bộ đội biên phòng đến kiểm tra những bến tàu neo đậu tàu thuyền, nơi người dân tránh tránh bão, những vị trí có nguy cơ sạt lở nhằm đưa ra chỉ đạo kịp thời và phương án khắc phục khi có sự cố xảy ra.

Bạc Liêu hoàn tất công tác ứng phó với bão số 16

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy  Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến chiều tối 25/12, địa phương đã chuẩn bị hoàn tất mọi công tác ứng phó vớ bão số 16.  "Bạc Liêu đã sơ tán tránh bão an toàn cho gần 125.000 dân, người, đạt 100% kế hoạch đề ra; kêu gọi 100% tàu thuyền với hơn 1.200 phương tiện, hơn 10.000 thuyền viên vào các nơi neo đậu, trú bão an toàn. Địa phương đã cử hơn 100 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống các địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa giúp bà con nhân dân ở những khu vực xung yếu. Đồng thời chỉ đạo cho hộ dân, công ty, doanh nghiệp khẩn trương thu hoạch hơn 38.000 ha tôm nuôi chạy bão, với khoảng 8.000 tấn, hơn 270 tấn hào và hàng trăm ha lúa, hóa màu…; tổng số nhà chằng néo, ao hồ gia cố cũng đạt theo kế hoạch. " - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh.

Người dân chằng néo nhà kính nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Hòa Bình, Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo ông Trung, tuy bão có hướng đi lệch ra biển, nhưng trên địa bàn còn chịu ảnh hưởng gió mạnh, mưa to, triều cường dâng, yêu cầu người dân theo dõi sát diễn biến bão, kịp thời ứng phó. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức trực quan, gián tiếp; tiếp tục hướng dẫn dân chằng chống nhà cửa, gia cố bờ bao, ao đầm nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị máy bơm ứng phó ngập úng, nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa, màu, thủy sản… đã đến thời kỳ thu hoạch.

Ghi nhận của phóng viên, chiều tối 25/12, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện mưa lớn, kèm theo gió mạnh, đặc biệt tại khu vực cửa biển, cửa sông gió rất mạnh, mưa to, nhất là khu vực cửa biển Gành Hào (Đông Hải) mưa rất to, nhiều tuyến đường, khu vực đã bị ngập cục bộ.

Tại huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) đến thời điểm này đang có mưa nhỏ nhưng gió bắt đầu mạnh dần lên. Có hơn 3.100 người gồm lực lượng công an, bộ đội, đoàn thanh niên… tham gia ứng trực cứu hộ, cứu nạn khi bão vào đất liền.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện, địa phương này đã di dời 70.353 người đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, tại thị trấn Gành Hào là 13.000 người (trong đó có trên 1.000 người của xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) và 18.549 người ở 4 xã ven biển. Tại các điểm sơ tán, huyện đã bố trí lực lượng bảo vệ, hậu cần, thực phẩm để nhân dân sơ tán không bị đói khát. Đồng thời, chính quyền xã, thị trấn huyện Đông Hải cũng đã tổ chức, vận động tuyên truyền hộ dân tự chằng chống nhà cửa. Tuy nhiên do người dân còn chủ quan, chưa tích cực bảo vệ tốt nhà cửa nên đến nay việc chằng cống chỉ thực hiện được 30%.

Trước bão, có 314 tàu (trên tổng số 598 chiếc) đang hoạt động đánh bắt ngoài biển đã được kêu gọi vào bờ trú ẩn an toàn;  92 tàu cá ngoài tỉnh vào cửa Gành Hào đã sắp xếp bố trí an toàn. (Trong đó có 13 tàu của tỉnh Bình Thuận neo đậu tại cửa biển Gành Hào nhưng không có thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu nên huyện đã tổ chức lai dắt vào nơi trú ẩn).

Hiện tại tất cả các Trạm y tế các xã, thị trấn và Trung tâm y tế huyện sẵn sàng công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và phân công y bác sĩ đến các điểm sơ tán tập trung, chuẫn bị sẵn thuốc men để chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội cũng được bố trí tại các điểm sơ tán, tuần tra khu vực nhà dân để bảo vệ tài sản và đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân khi xảy ra cơn bão 16, tỉnh Bạc Liêu cũng đã khuyến khích người dân khẩn trương thu hoạch diện tích nuôi thủy sản để tránh báo. Tuy nhiên, người dân nuôi trồng thủy sản thâm canh – bán thâm canh ở huyện Đông Hải chỉ thu hoạch được 180/1.131ha ở các xã Điền Hải, Long Điền Đông, Long Điền Đông A và Long Điền.

Riêng lĩnh vực sản xuất muối, hiện còn trên 24.550 tấn muối đang còn tồn đọng trên địa bàn huyện và đã được bà con nông dân đắp bờ bao xung quanh, lợp chằng chéo, khai thông đường nước để không để ngập úng./.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Chùm ảnh: Các tỉnh phía Nam ứng phó với bão số 16
Chùm ảnh: Các tỉnh phía Nam ứng phó với bão số 16

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, tỉnh phía Nam triển khai nhiều phương án, giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN