Các Phó Thủ tướng chỉ đạo phòng chống bão 14

Ngày 9/11, các đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến các tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống bão 14 (Hải Yến).

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến Thừa Thiên - Huế


Ngay sau khi đến Thừa Thiên - Huế, đoàn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thị sát công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương vùng ven biển thuộc huyện Phú Vang và khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải, đây là khu neo đậu có sức chứa đến 500 chiếc. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ngay tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hải Yến là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay, hướng di chuyển phức tạp, khó lường; trong khi ta chưa có kinh nghiệm ứng phó với cơn bão với sức gió mạnh, giật đến cấp 17. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần huy động tối đa sức mạnh của các hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai công tác phòng chống với tinh thần cao hơn phòng chống các cơn bão trước đây để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi đồng bào sơ tán tránh bão tại huyện Bình Sơn. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Phó Thủ tướng yêu cầu: Các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ xuống ngay địa bàn giúp dân chằng chống nhà cửa; neo đậu tàu thuyền; tăng cường kiểm tra, kiên quyết không để người dân nào được ở lại trên thuyền khi bão đến. Các phương án di dời dân phải hoàn tất trước 19 giờ ngày 9/11. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường thời lượng tuyên truyền, cập nhật hướng đi của cơn bão kịp thời để giúp người dân chủ động đối phó, tránh bị bất ngờ; đặc biệt, trong mưa bão không để bất cứ người dân nào ra ngoài đường dù làm bất cứ việc gì để hạn chế thiệt hại. Các ngành điện, thông tin liên lạc phải chủ động kế hoạch ứng phó; các đơn vị vận tải, nhất là vận tải hành khách không đi vào tâm bão, hoặc chạy trên đường khi bão đến. Các hồ chứa tính toán kỹ phương án xả lũ, đảm bảo vừa an toàn cho hồ, đập; vừa hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Báo cáo với Phó Thủ tướng về công tác phòng chống bão Hải Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Tỉnh kêu gọi và sắp xếp cho 1.819 phương tiện tàu thuyền; trong đó có cả tàu thuyền của các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình vào neo đậu. Công tác di dời dân đang được tỉnh tiến hành khẩn trương, tập trung ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc với tổng số 11.274 hộ và 50.072 nhân khẩu, hoàn thành trước 19h ngày 9/11.

Tỉnh tổ chức dự trữ được 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 200.000 lít xăng dầu. Người dân trong vùng thiên tai, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng thấp trũng được khuyến cáo dự trữ đủ lượng thực trong vòng 7 ngày đề phòng mưa lũ dài ngày, không chi viện kịp. Ngành du lịch hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho 7.894 khách đang lưu trú trên địa bàn, trong đó có 4.512 khách du lịch quốc tế; riêng khu du lịch ven biển Laguna có tới 120 khách.

Quân khu IV đã tăng cường cho Thừa Thiên - Huế 300 cán bộ, chiến sĩ để phối hợp với các lực lượng bộ đội, biên phòng, công an trên địa bàn giúp dân di dời đến nơi tránh trú an toàn và sẵn sàng ứng cứu khi bão Hải Yến đổ bộ vào địa bàn...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chống bão tại Quảng Ngãi

Sáng 9/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão Hải Yến tại Quảng Ngãi. Làm việc với Đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại, cơ bản tàu thuyền của Quảng Ngãi đã được đưa vào các khu neo trú an toàn;7 tàu đang từ vùng biển Lý Sơn chạy vào đất liền; 13 tàu đang trên đường di chuyển từ Trường Sa về để vào đất liền. Hiện người dân đang tập trung chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây. Các địa phương sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ lụt, sạt lở. Huyện đảo Lý Sơn đã chọn 23 ngôi nhà kiên cố, mở cửa hầm quân đội để dân vào trú. Các huyện phía bắc của Quảng Ngãi như Sơn Tịnh, Bình Sơn đã bắt đầu di dân. Xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đã di dời được hơn 3.000 người già và các em nhỏ. Dân sống vùng hạ lưu của các hồ đập nguy hiểm cũng được khuyến cáo di dời. Khu vực miền núi tiến hành di dân tại các vùng nguy cơ sạt lở và các điểm nứt núi. Lực lượng quân sự như công an, biên phòng túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu nhân dân.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Công tác triển khai phòng chống lụt bão đã và đang được triển khai. Ngoài việc tháo các trang thiết bị như thang, dàn giáo, thiết bị bảo trì đưa vào nhà kho, công tác chằng chống nhà xưởng cũng được tích cực tiến hành. Lãnh đạo và công nhân nhà máy đảm bảo trực chiến 24/24 giờ trước, trong và sau bão. Nhà máy cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm như mì ăn liền, nước, thuốc, màn, phương tiện để hỗ trợ đưa người dân vào tạm trú trong nhà máy.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng, đợt này lượng di dân lớn nhất từ trước đến nay, nếu tính cả những nhà cấp 3, cấp 4 không an toàn, Quảng Ngãi có khoảng 80.000 hộ cần di dời, trong đó có làng phải di dời hết. Tỉnh đã thống nhất huy động các khách sạn để dân vào tạm trú. Tỉnh cũng mong nhận được sự hỗ trợ lực lượng từ Quân khu V giúp dân trong công tác sơ tán.

Chỉ đạo công tác phòng, chống bão Hải Yến tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh cần quyết liệt, khẩn trương hơn nữa. Lực lượng chức năng phải hướng xác định vị trí và dẫn 13 tàu nhanh chóng tìm nơi tránh, trú an toàn. Các tàu thuyền đã neo trú phải huy động dân đến các điểm an toàn, tuyệt đối không được ở lại tàu. Tính mạng của dân phải được đặt lên hàng đầu, trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành cưỡng chế bà con đến điểm di dời. Các địa phương khẩn trương chằng chống nhà của cho dân, các công trình trọng điểm, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để bị hư hỏng, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại. Tỉnh thực hiện phương châm 4 tại chỗ đảm bảo sẵn sàng ứng cứu tính mạng, tài sản của dân. Phó Thủ tướng lưu ý sau bão là lũ, vì vậy không được để dân đói, khát và đuối nước. Lực lượng chức năng phải túc trực 24/24 giờ, theo dõi nắm thông tin để có mặt mọi lúc, mọi nơi giúp đỡ nhân dân.

Sau buổi làm việc, Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại cảng PTSC Dung Quất và xã ven biển Bình Hải, huyện Bình Sơn.


TTXVN/Tin tức
Bão số 14 sẽ gây mưa lớn tại miền Bắc
Bão số 14 sẽ gây mưa lớn tại miền Bắc

Cơn bão số 14 sẽ áp sát các tỉnh miền Trung, sau đó có khả năng suy yếu trở thành áp thấp và gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ. Các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc cần nhanh chóng nắm chắc tình hình, chủ động trong ứng phó với mưa lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN