Tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải thông tin, Hội nghị Trung ương 4 diễn ra tháng 10/2021, đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.
Cho ý kiến về kinh tế - xã hội năm 2021-2022, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải cho biết, Hội nghị Trung ương 4 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và quan trọng vào các báo cáo và đề án.
Về nội dung học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2025 và tiến tới năm 2030, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục có đà phát triển nhanh nhờ kế thừa những thành quả từ giai đoạn trước và sự phục hồi mạnh sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Theo đó, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến tăng trưởng GDP quốc gia, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tại nước ta, trong giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối là các doanh nghiệp nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp với chủ đề “Chuyển đổi số Quốc gia - Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước”. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã thông tin về chuyên đề “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.