Các địa phương khẩn trương phòng chống bão số 2

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, các địa phương được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão đang khẩn trương triển khai các phương án phòng chống cơn báo có tên quốc tế là "Thần sấm".

Tại Hà Nội, chiều 17/7, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội đã họp khẩn cấp với các ban, ngành, địa phương để bàn các biện pháp ứng phó với bão số 2.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá: Hà Nội địa bàn rộng, các huyện ngoại thành có diện tích làm nông nghiệp lớn. Còn vùng trung tâm nội đô mưa lớn thường hay ngập úng, tắc nghẽn giao thông; cây cối đổ gây nguy hiểm về người và tài sản. Bên cạnh đó, hệ thống nhà chung cư cũ không đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã vào chỗ trú ẩn an toàn. Ảnh: Văn Đức-TTXVN


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo: Cần cử lực lượng theo dõi, canh gác hộ đê, nhất là những nơi xung yếu. Nông dân thực hiện nghiêm việc tạm thời chưa cấy lúa, chờ khi bão tan mới tiến hành. Sở Xây dựng khẩn trương cắt tỉa cành cây, khơi thông cống rãnh thoát nước và rà soát mức độ an toàn tại các khu chung cư. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có 26 tòa chung cư cũ kỹ xuống cấp nghiêm trọng, 40 chung cư xen lẫn vừa cũ vừa mới. Vì vậy, nếu có mưa bão lớn cần chủ động có phương án di dời người dân ở những vùng này.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai trên địa bàn năm 2014 với lượng hàng hóa đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho 250.000 dân trong thời gian 7 ngày, ước tổng kinh phí gần 84 tỷ đồng.

* Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh “cấm biển” từ 12 giờ ngày 17/7 để chủ động phòng, tránh những thiệt hại do bão số 2 có thể gây ra. Theo đó, từ trưa 17/7, tất cả các cảng tàu đã ngừng cấp giấy phép rời cảng cho mọi tàu tham quan Vịnh Hạ Long nói riêng và các tàu vận tải hành khách nói chung.

Trước đó, từ đêm 16/7, tất cả các tàu du lịch đều không được phép "ngủ đêm" trên Vịnh Hạ Long, tránh dông lốc cục bộ xuất hiện trong bão. Cảng thủy nội địa Quảng Ninh đã kêu gọi 109 chuyến tàu khách đang lưu trú trên Vịnh Hạ Long và hơn 2.000 khách di chuyển vào bờ và đã kêu gọi các tàu còn lại đang tham quan trên Vịnh Hạ Long về bờ trước 15 giờ ngày 17/7.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống bão số 2. Ngay trong ngày 17/7, tỉnh cũng đã cấp cho huyện Vân Đồn 2.000 bao tải dứa và 1.000m2 bạt chắn sóng; huyện Cô Tô 2.000 bao tải dứa, 1.000m2 bạt chắn sóng và 100 rọ thép.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện miền núi, Giám đốc các đơn vị thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc triển khai ngay các biện pháp đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá các bãi thải, ngập úng đường lò...; nghiêm cấm người dân ra đánh cá, vớt củi, mót than trên sông, suối khi mưa lũ xảy ra.

* Tại Nam Định, ngay trong chiều 17/7, các ngành chức năng và các địa phương, nhất là 3 huyện ven biển của Nam Định đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền và người canh coi đầm nuôi trồng thủy sản ven biển vào nơi tranh trú an toàn; gia cố các điểm đê, kè xung yếu trên tuyến đê biển và đê sông.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, tính đến 17 giờ ngày 17/7 đã có 1830 tàu cá với 4.024 ngư dân vào nơi trú tránh an toàn; còn 91 tàu với 190 ngư dân đánh bắt trên vùng biển Nam Định chưa vào bờ nhưng số tàu thuyền này vẫn liên lạc được. Có 21 tàu đã vào nơi trú tránh bão tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cà Mau. Dự kiến trong chiều 18/7, tất cả 881 người trông coi tại các đầm nuôi trồng thủy hải sản ven biển, cửa sông, sẽ được di dời vào nơi an toàn.

Công tác gia cố các điểm đê kè xung yếu đã được tỉnh Nam Định chú trọng thực hiện và đến 17 giờ ngày 17/7, công tác này đã cơ bản được thực hiện xong. Các tuyến đê biển Nghĩa Phúc -Đông Nam Điền và Nam Điền - Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng) đã được củng cố. Một số điểm xung yếu trên các tuyến đê sông cũng đã được xử lý khẩn cấp.

Từ 13 giờ ngày 17/7, Nam Định đã thực hiện cấm biển đối với tàu thuyền và đang tích cực bơm tiêu nước đệm phòng ngập úng khi mưa lớn.

* Tại Ninh Bình, từ chiều 17/7, tỉnh Ninh Bình đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời thông báo đến 70 tàu với 100 ngư dân đang hoạt động trên biển và trên 2.000 lao động nuôi trồng thủy sản phía bên ngoài đê biển khẩn trương vào bờ, tìm nơi tránh trú bão an toàn. Các bến đò ngang được lệnh tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, địa phương đã kêu gọi 50 tàu và 147 ngư dân vào bờ, đồng thời vận hành 27 máy bơm, mở 63 cống tiêu thoát nước để tiêu kiệt nước đệm bảo vệ diện tích lúa mùa mới cấy. Lực lượng vũ trang tỉnh tập trung nhân lực giúp dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, canh gác tại những tuyến đê xung yếu trên địa bàn. Các địa phương tổ chức di dân ở khu vực ngoài đê biển Bình Minh II và sơ tán dân khỏi các vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn xong trước 16 giờ ngày 18/7.


Nhóm phóng viên TTXVN
Tin bão gần bờ
Tin bão gần bờ

Hồi 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN