Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trên thế giới rất ít nơi chiến tranh kéo dài và khốc liệt như ở Việt Nam. Chiến tranh trải suốt 30 năm, hàng triệu người đã ngã xuống để đất nước được trường sinh bất tử. Trong đó rất nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để cầm súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng ta luôn khắc ghi rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đều phải đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, hơn 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Đến nay vẫn còn khoảng 180 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân. Ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn có không ít người đã hy sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng".
Để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh".
Hội nghị bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Bác vào tháng 6/1947 đã thống nhất chọn ngày 27/7 là "Ngày Thương binh toàn quốc". Sau khi đất nước được thống nhất, Đảng, Nhà nước ta quyết định ngày 27/7 chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước (Chỉ thị 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).
Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Tháng 7 tri ân, những cựu binh năm xưa cùng về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên để thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Ngày 24/7/2025, trong bài phát biểu tại Hội nghị Gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc", là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là một chính sách lớn, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Trong suốt 78 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.
Gần đây nhất, ngày 1/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Các cựu binh, thân nhân liệt sĩ trung đoàn 356 đến tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ trung đoàn 356 đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Cùng với đó, nhiều chương trình, hành động thiết thực, như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, Quỹ nghĩa tình đồng đội, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào, hoạt động tự nguyện trong các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, cả nước đã hoàn thành 100% việc xây dựng, sửa chữa nhà ở (khoảng 34.000 căn nhà) cho người có công với cách mạng (sớm hơn 3 tháng so kế hoạch đề ra) vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, gần 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Tháng 7/2024 đã ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng, đáp lại niềm mong mỏi rằng tương lai không xa, các liệt sĩ sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Hài cốt các liệt sĩ Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, tỉnh An Giang). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 16/12/2024) nhằm đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc”. (1)
***
(1): Bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử.