Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Nguyễn Thanh Hiền: Kỳ chất vấn đặc biệt.
Các phiên chất vấn của kỳ họp này rất đặc biệt, vì đây là dịp để đánh giá lại quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Trong phiên chất vấn ngày 6/11, các đại biểu đã đặt câu hỏi sâu, lựa chọn trúng vấn đề của ngành, câu hỏi ngắn gọn trong 1 phút. Các Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành đã nắm chắc vấn đề mà đại biểu chất vấn, mạnh dạn trả lời đi đúng, trúng vấn đề đại biểu nêu.
"Tôi thấy một số lĩnh vực như Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuy mới nhận nhiệm vụ nhưng trả lời hay, làm rõ được vấn đề, giúp cho đại biểu nhìn nhận xung quanh những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tôi cũng ghi nhận nhiều bộ trưởng thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước", đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nói.
Tuy nhiên, quá trình trả lời có một số lĩnh vực cần tập trung quan tâm làm sâu hơn. Ví dụ như liên quan đến vấn đề trồng rừng, giữ rừng, bản đồ ngập lụt, lũ hay an ninh trật tự, an ninh mạng, tín dụng đen, giáo dục đào tạo... "Quá trình chất vấn này, tôi tin sẽ có sự chuyển biến trong hành động của các Bộ trưởng trước nhân dân", đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đánh giá.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan: Cần có các câu hỏi mang tính tổng quát.
Theo bà Phong Lan, kỳ họp này sẽ giúp chúng ta nhìn tổng thể về cả quá trình, cả kỳ Quốc hội khóa XIV. Những vấn đề mà đại biểu đặt ra chất vấn các bộ trưởng trong từng kỳ họp được tổng kết ở kỳ họp này để nhìn nhận tổng thể về việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng cũng như Chính phủ.
Đại biểu Phong Lan cho rằng, có rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn tốt, nhưng cũng có nhiều câu hỏi xoay quanh những vụ việc mới xảy ra gần đây, trùng với nội dung báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mà chúng ta đã thảo luận.
Nhưng cũng có đại biểu đặt những câu hỏi, vấn đề mang tính tổng quát chung để thấy Chính phủ vẫn còn cần nỗ lực rất nhiều trong việc thực hiện những lời hứa. "Trong những phiên chất vấn sau, tôi mong chờ nhiều hơn ở những câu hỏi mang tính tổng kết lại xuyên suốt trong cả 5 năm qua, để thấy các bộ, ngành, Chính phủ đã làm được những gì và những gì chưa làm được", đại biểu Phong Lan nói.
Nếu so sánh với chất vấn trong những kỳ họp trước, các bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, sự tương tác giữa đại biểu và các bộ trưởng hết sức thẳng thắn trong quá trình chất vấn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội điều hành rất linh hoạt
Trong ngày chất vấn đầu tiên 6/11, nhiều vấn đề gai góc đã được các đại biểu đặt ra. Các đại biểu đã hỏi rất nhiều các câu hỏi bao quát vấn đề đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Những câu hỏi của đại biểu ngắn gọn, các câu trả lời của các trưởng ngành cũng rõ ràng, đúng vấn đề.
"Nhưng tôi đánh giá cao sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã tạo điều kiện cho bên chất vấn và trả lời chất vấn đề có thể truy đến cùng tất cả những vấn đề đặt ra, có như vậy mới có thể thỏa mãn được yêu cầu của cử tri cũng như công tác giám sát của Quốc hội", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Về cơ bản các trưởng ngành đã đáp ứng được sự quan tâm của đại biểu. Tuy vậy cũng có một số nội dung có thể trả lời chưa thỏa mãn như công tác xây dựng pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính...
"Tôi cho rằng, thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ nhận biết toàn diện chức năng nhiệm vụ và những yêu cầu đặt ra của các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ, chức năng được pháp luật quy định", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2020 và phương hướng 2021. Năm 2020 là đất nước gặp nhiều khó khăn, từ dịch COVID-19 cho đến thiên tai, lũ lụt làm cho tình hình kinh tế - xã hội tương đối ảm đạm, đời sống nhân dân khó khăn.
Tuy nhiên, cũng phải đánh giá khách quan sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ, hệ thống chính trị đang quyết tâm vượt lên khó khăn, đoàn kết và thống nhất trong hành động, chung tay góp sức xây dựng đất nước phát triển.