Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu các ý kiến thảo luận, ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, trên cơ sở các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá nguyên nhân, những định hướng công tác năm 2024 về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID-19, đã làm gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật so với các năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, với khối lượng công việc phải giải quyết trong năm 2023 lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, việc còn những tồn tại, hạn chế là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Tô Lâm đã làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, chủ yếu do những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách, nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó, có những tồn tại, khó khăn, vướng mắc có thể khắc phục được ngay, nhưng cũng có những vấn đề cũng cần thời gian.
Chính phủ, Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích về những băn khoăn vì sao khi càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, thì tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội càng gia tăng?
“Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời, là một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc. Theo tôi, công tác phòng ngừa liên quan đến cả quá trình xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ… Có như vậy, công tác đấu tranh sẽ hiệu quả hơn”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước, cảnh báo, tuyên truyền, giáo dục, trách nhiệm của hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng xã hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ sẽ nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tốt hơn. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã nghiên cứu về những giải pháp, kiến nghị để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan trong khối nội chính đã nỗ lực cố gắng thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và đã có bước đột phá mới, đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Về xây dựng hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành luật; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực".
Tuy nhiên, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết, vẫn còn có sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng; đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định 131, 132 của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, các đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Về thanh tra kiểm toán giải quyết khiếu nại tố cáo góp phần phát hiện xử lý tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2023, công tác thanh tra kiểm toán tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác thanh tra còn tồn tại, hạn chế, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm có chuyển biến tích cực so với trước đây, nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo toàn ngành thanh tra khắc phục những tồn tại hạn chế mà các đại biểu Quốc hội nêu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các ý kiến đã chỉ ra một số tồn tại, chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề xuất gợi mở những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhiều đại biểu đã đề cập đến những khó khăn như sự thiếu hụt về kinh phí và biên chế, chế độ động viên, đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp để tăng cường các nguồn lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về tổng kết thực tiễn xét xử, đối với đề nghị sửa một số điều luật về hình sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, Tòa án sẽ có tổng kết và báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền. Về thời điểm xác định thiệt hại, khi xây dựng Nghị quyết 03, Tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, thực hiện quy trình như quy trình làm luật. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật.