Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp toàn diện, công tác của các Tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Kết quả đạt được, từ ngày 1/7/2019 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo yêu cầu tại Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020, từ ngày 01/7/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 7.064 vụ với 7.677 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em; đã đưa ra giải quyết, xét xử 6.755 vụ với 7.318 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,63% về số vụ và 95,32% về số bị cáo; vượt 5,63% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. 100% vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao luôn quan tâm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; đang nghiên cứu, xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024).
Để tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị tập huấn, đối thoại để trao đổi, giải đáp vướng mắc trong xét xử; tổ chức biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình; xây dựng và phát hành Sổ tay Thẩm phán hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự về các tội phạm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái...
Tòa án đã quyết định thành lập và đi vào hoạt động nề nếp Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại 2 Tòa án nhân dân cấp cao, 38 Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tại các đơn vị còn lại sẽ căn cứ vào nhu cầu công việc và số lượng biên chế sẽ thành lập thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022//QH15 ngày 15/11/2022, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công. Kết quả là tất cả các đơn vị thuộc hệ thống Tòa án nhân dân đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế quản lý và sử dụng tài sản công. Cho đến nay, chưa phát hiện đơn vị nào để xảy ra sai phạm.
Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị dự toán trực thuộc sử dụng, quản lý nguồn ngân sách được cấp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng dự toán được giao; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến... Năm 2022, các Tòa án đã tiết kiệm chi trên 5% so với dự toán kinh phí được giao.
Việc mua sắm, thanh lý, điều chuyển tài sản đảm bảo đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ và được thực hiện công khai, minh bạch. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, kế hoạch; nghiêm túc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các Tòa án đã tập trung giải quyết nhanh các vụ án từ khâu thụ lý hồ sơ đến phân công Thẩm phán nghiên cứu và sớm đưa vụ án ra xét xử; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. 09 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ; có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng.
Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, rà soát các khó khăn, vướng mắc trong xét xử được đẩy mạnh. Hiện Tòa án nhân dân tối cao đang phối hợp với các bộ, ngành góp ý kiến xây dựng 11 dự án Luật; xây dựng Kế hoạch tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Phá sản…
Kết quả thực hiện nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội” quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, về nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án, từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/6/2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%).
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 95% (vượt 7% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 86% (vượt 8% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 77,65% (vượt 17,65% chỉ tiêu Quốc hội giao). Các Tòa án đã chú trọng công tác hòa giải, đối thoại; hạn chế việc để các vụ việc quá thời hạn quy định; phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 37.281 phiên tòa rút kinh nghiệm; từ đó, tỷ lệ và chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc không ngừng tăng lên qua các năm.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của hệ thống Tòa án đã vượt 2,4% chỉ tiêu Quốc hội giao.
Công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ có kết quả tích cực. Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Pháp lệnh; đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 5 Nghị quyết. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 5 Thông tư. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng 4 Thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng 1 Thông tư liên tịch. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 70 án lệ.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được triển khai thi hành hiệu quả. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại. Các Tòa án đã tăng cường phổ biến, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, đương sự về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Các Tòa án tích cực tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; tính đến ngày 30/6/2023, có 682 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 8.381 vụ án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan khi tham gia tố tụng. Thông qua xét xử trực tuyến đã giúp tiết kiệm được tổng chi phí ước tính khoảng 45 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3 năm 2023. Trước các kỳ họp của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo kịp thời giải đáp, trả lời những kiến nghị của cử tri. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời 100% các kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển cho Tòa án.
Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra các khó khăn, theo đó, tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc của một số đơn vị, Tòa án chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu công việc, nhất là việc triển khai Luật Hòa giải đối thoại, tổ chức xét xử trực tuyến…
Nguồn vốn đầu tư công nhà nước phân bổ hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đầu tư; kinh phí sửa chữa bảo trì trụ sở được cấp hàng năm còn thấp. Một số Tòa án địa phương chưa chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật...
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tối cao xác định các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện, gồm: chỉ đạo hệ thống Tòa án thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số Tòa án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.