Theo Bộ trưởng Tài chính, các đại biểu Quốc hội có ý kiến về thu ngân sách nhà nước (NSNN) xoay quanh các vấn đề: Tăng trưởng GDP đạt 6,7% nhưng tại sao NSNN chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán? Vì sao tăng trưởng GDP cải thiện nhưng quy mô thu NSNN tính trên GDP giảm? Vì sao thu từ 3 khu vực kinh tế lớn không đạt? Tại sao thu ngân sách nhà nước khó khăn?...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bộ trưởng giải trình: Về bản chất, NSNN là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển và hiệu quả của nền kinh tế. Kết quả thu NSNN chịu ảnh hưởng cả từ yếu tố tích cực và hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách vượt 2,3% là tích cực.
So với năm 2016 thì thu NSNN tăng hơn 10%. Trong đó, thu nội địa từ hoạt động sản xuất tăng trên 14% cũng là tích cực, bù cho nguồn thu giảm do cắt giảm thuế và giảm giá, sản lượng dầu thô. Mức tăng này cao hơn nhiều tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Mặc dù tổng thể thu NSNN vượt nhưng thu từ 3 khu vực chính là: kinh tế nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa đạt 100% do có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan do dự toán giao rất cao so với năm 2016, cao hơn nhiều so với GDP và lạm phát cộng lại. Vì vậy, dù không đạt nhưng đây là mức tích cực so với năm 2016, trong đó thu từ khu vực FDI dự kiến tăng 16,9% so với 2016.
Về nguyên nhân chủ quan, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng còn chậm. Tình hình các doanh nghiệp ô tô, khai khoáng... rất khó khăn. Kể cả Samsung và Formosa, hai doanh nghiệp lớn nhưng thu ngân sách không tăng nhiều do đang được hưởng ưu đãi.
Bộ trưởng Tài chính cho biết: Thu ngân sách từ dầu thô từng chiếm đến 20% tổng thu NSNN giai đoạn 2006 - 2010 nhưng thời gian qua giảm nhiều do giá dầu thô ổn định ở mức thấp, khai thác giảm. Năm 2017 dự kiến chỉ chiếm hơn 3% trong tổng thu NSNN. Thực tế, đánh giá thu từ dầu thô tăng 5,2 nghìn tỷ đồng do sản lượng tăng 1 triệu tấn và giá bán tăng.
Về các ý kiến cho rằng, tỷ lệ thu NSNN trên GDP của Việt Nam cao thứ 3, sau Nhật và Trung Quốc, tỷ lệ huy động thuế phí cao hơn Thái Lan, Malaysia và đề nghị xem xét điều chỉnh chính sách thuế, Bộ trưởng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao.
Cụ thể tỷ lệ huy động NSNN là 23,9% GDP, trong đó từ thuế phí có 19,7%. Trong khi đó, theo báo của của IMF tháng 10/2017, tỷ trọng thu NSNN/GDP của các nước Liên minh châu Âu là 44,3%, các nước mới nổi và phát triển ở châu Á là 25,5%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%...
Theo ông Đinh Tiến Dũng, khi so sánh số liệu thu NSNN của các nước, cần chú ý đến đảm bảo so sánh dựa trên tiêu chí đồng nhất, cùng bản chất. Ví dụ số thu NSNN của nhiều nước chỉ tính trên số thu của chính quyền TƯ trong khi số liệu Việt Nam bao gồm cả 4 cấp ngân sách. Phạm vi, thu của Việt Nam gồm cả dầu thô, bán nhà sở hữu nhà nước, trong khi nhiều nước không tính nó vào nguồn thu từ thuế và phí như Trung Quốc.
"Mỗi nước lại đánh sắc thuế phụ thuộc vào chiến lược từng quốc gia và thời kì. Thuế của Việt Nam thuộc mức trung bình thấp so với các nước khu vực, thế giới", Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Dũng cơ bản nhất trí với ý kiến các đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu)... về việc phải xem xét có những điều chỉnh chính sách thu thuế hợp lý, siết chặt các ưu đãi về thuế, chấn chỉnh chính sách quản lý thu, ngăn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ đọng thuế... Bộ Tài chính hoàn thiện sớm trình Quốc hội 5-6 luật thuế trong năm 2018.