Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nguyên nhân của thực trạng này là do: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý, chính sách chưa đủ mạnh nên dẫn đến nhờn luật. Các đối tượng cấu kết tinh vi, có hệ thống, không giới hạn trong một vài địa phương nữa
Thứ hai, sự phối hợp trong chủ động của các lực lượng liên ngành còn chưa chặt chẽ và thường xuyên nên hiệu quả đấu tranh còn yếu. Như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu có thời gian vắng bóng lực lượng chức năng trong chống buôn lậu.
Thứ ba, đứt khúc và phân khúc trong chỉ đạo chống buôn lậu của các lực lượng, trong đó có quản lý thị trường (QLTT). Do QLTT hoạt động tại địa phương, với sự chỉ đạo của địa phương nên sự phối hợp chưa hiệu quả.
Con số thống kê 9 tháng năm 2017 cho thấy buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá lậu đã giảm hẳn, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như Long An… Thực tế vẫn còn tình trạng buôn lậu lớn nhưng ở những trung tâm buôn lậu lớn thì đã có sự tiến triển.
Theo Bộ trưởng, có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung: Tăng cường hơn nữa việc phối hợp các lực lượng chuyên ngành để đấu tranh chống buôn lậu, phát huy trách nhiệm từng lực lượng; xem xét hoàn chỉnh khung khổ pháp lý, thể chế, tăng chế tài; có quan điểm đồng bộ, toàn diện nhất quán, nghiêm khắc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá.
Bộ trưởng dẫn chứng, câu chuyện tái xuất thuốc lá lậu, Thủ tướng và các Bộ ngành đã không chấp nhận cho tái xuất vì lợi ích mang lại không bao nhiêu nhưng nguy cơ thẩm lậu cao. Vừa qua, nhiều hoạt động tái xuất thuốc lá lậu có dấu hiệu thẩm lậu trở lại nội địa. Phiên họp tháng 6/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo các lô hàng thuốc lá lậu tịch thu thì phải tiêu hủy chứ không tái xuất, trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng.
"Ngoài ra, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng QLTT còn yếu kém. Giải pháp cơ bản đã được Chính phủ cho phép là thành lập Tổng cục QLTT theo hệ thống ngành dọc. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta có điều kiện tăng cường chất lượng, nâng cao phẩm chất của cán bộ QLTT. Bộ Công Thương sẽ có điều kiện đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu thời gian tới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay. |
Liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ tồn đọng cần xử lý
Bộ trưởng Công Thương cho biết: 12 dự án này nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều thời kì, giai đoạn khác nhau. Phần lớn đều có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Để xử lý, phải làm đồng bộ, đánh giá toàn diện hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc.
Trong 2 năm qua, Chính phủ đã thành lập những Ban chỉ đạo để đánh giá tổng thể, kết hợp với kiểm tra thực tế tại các dự án, đưa ra hướng giải quyết. Ban hành các hướng dẫn cụ thể để giải quyết về mặt thương mại, công nghệ, xử lý triệt để vi phạm pháp luật của cá nhân và tổ chức. Từ bài học kinh nghiệm này cần ngăn chặn phát sinh những dự án không có hiệu quả tương tự.
"Bộ Chính trị đã thống nhất năm 2017 hoàn thành các bước chuẩn bị để triển khai xử lý. Năm 2018 xử lý về cơ bản và đến 2020 sẽ giải quyết triệt để toàn bộ các dự án. Hiện nay, có 4 dự án phân bón đã khôi phục sản xuất, đang tiếp cận thị trường. 3 dự án xăng sinh học đang khởi động lại, 2018 sẽ tham gia thị trường…", ông Tuấn Anh cho hay.
Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ
Thực tế, quá trình công nghiệp hóa Việt Nam thời gian qua đã có những bước đi nhất định, đạt được những nền tảng cơ bản, mang lại đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 (KCN Thụy Vân, Vĩnh Phúc) chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác cung cấp cho các Công ty Honda, Nissan, Gochi. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo Bộ trưởng, trong một số ngành công nghiệp đã tạo được nền tảng cho Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa như trong ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, hóa dược, năng lượng… Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thì còn hạn chế.
Thực tế, ngành CNHT trong một số ngành công nghiệp chính đã có những bước tiến, như trong ngành dệt may, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 40%, da giày trên 45%, ô tô 30 – 40%... Điều đó cho thấy dù chưa đạt như mong đợi nhưng một số cơ sở ban đầu đã được thiết lập. Từ đó, chúng ta có điều kiện để phát huy thời gian tới.
Nguyên nhân được Bộ trưởng nêu là do: cơ chế chính sách chưa đồng bộ về tín dụng, ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; chưa tham gia được vào các chuỗi để đảm bảo tính bền vững, đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp CNHT...
Tới đây, các lĩnh vực công nghiệp ô tô, dệt may, điện lực, năng lượng sẽ tạo ra sự dẫn dắt hình thành thị trường để ngành CNHT có thể phát triển thời gian tới.
Về điện lưới nông thôn
Đến năm 2020, 100% nhân dân phải được sử dụng điện lưới. Đây là nhiệm vụ lớn vì đầu tư điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo rất khó khăn.
Bộ trưởng cho biết: Đã có 48 địa phương tham gia chương trình xây dựng điện lưới cho khu vực khó khăn với số lượng 11 đảo, 189 xã, thôn bản với quy mô hơn 1 triệu hộ dân. Hiện, một nửa trong số đó đã có điện nhưng chưa chính thức, chưa có công tơ và không đảm bảo an toàn.
Dự án cần hơn 30.000 tỷ đồng, phân bổ từ vốn ngân sách TƯ và vốn địa phương, các tổ chức tài trợ quốc tế (ADB, EU). Hiện đã có báo cáo khả thi trình lên Thủ tướng, chờ Thủ tướng phê duyệt.
"Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ kí hợp đồng với EU để có nguồn vốn cho chương trình. Còn nguồn vốn ngân sách TƯ thì Bộ Kế hoạch Đầu tư đã cố gắng bố trí nhưng chưa đảm bảo yêu cầu. Chúng tôi đang huy động nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực để hỗ trợ các địa phương", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.