Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn từ các đại biểu Quốc hội. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã có những nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
* Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội): Nâng mặt bằng chung chuẩn đào tạo cho đất nước
Trên bảng điện tử có tới gần 70 ý kiến chất vấn. Tôi thấy cơ bản Bộ trưởng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu trong các kỳ chất vấn trước đây. Bộ đã có tiếp thu để có sự chuyển mình đáng kể, để cải thiện chất lượng, chương trình học cũng như chất lượng các trường
Qua theo dõi, tôi thấy có nhiều vấn đề đã có từ nhiều năm trước, nhiệm kỳ trước. Nhưng Bộ trưởng Nhạ cũng phải quan tâm, giải trình, thể hiện trách nhiệm của mình trước những vấn đề cử tri quan tâm. Ví dụ như vấn đề làng đại học ở Đà Nẵng, rõ ràng đây là sự tồn tại của lịch sử. Đến nay, Bộ trưởng Nhạ đã quan tâm và chắc chắn sẽ có những giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng mặt bằng chung chuẩn đào tạo cho đất nước
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN |
* Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Bộ trưởng cần quan tâm đến chất lượng đào tạo
Giáo dục là toàn diện, không chỉ giáo dục thể chất, năng lực. Giải pháp mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra đã có nhưng cần quyết tâm thực hiện. Hôm nay, bộ trưởng đã thể hiện quyết tâm, mong bộ trưởng tâm huyết, đi sâu vào nâng cao chất lượng.
Tôi cho rằng, chất lượng giáo dục phần lớn phụ thuộc vào người thầy. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phải đi sâu, đi sát vào chất lượng đào tạo. Cần phân luồng học sinh, đưa học sinh vào hướng học nghề. Tôi không đồng ý với một đại biểu cho rằng, không nên phân luồng học sinh, đào tạo hết cấp 3 mới phân luồng. Điều đó không có cơ sở.
Hết cấp 2, chúng ta nên chuyển 30 - 40% học sinh vào học nghề, nhưng không có nghĩa là học nghề chỉ có bằng nghề mà vẫn phải học văn hóa. Khi đó, chúng ta sẽ có đội ngũ công nhân kỹ thuật.
Số học sinh không học nghề, có thể học tiếp thì vào đại học. Hoặc học nghề chất lượng cao ở trình độ cao đẳng, đại học. Hôm nay, phiên chất vấn có nhiều vấn đề được đưa ra, rất muốn bộ trưởng lắng nghe để điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo.
Vấn đề bạo lực đối với học sinh, để giải quyết vấn đề này, không chỉ Bộ GD&ĐT mà cần cả hệ thống chính trị, từ cấp xã đến cấp huyện các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp khác vào cuộc. Tôi cho rằng cần có cơ chế phối hợp, làm sao để xã hội cùng đồng lòng.
* Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn): Quan tâm tới tiêu chuẩn của giáo viên
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo trả lời đã bám vấn đề, thể hiện được trách nhiệm của Bộ trưởng. Tuy nhiên, các câu hỏi của các đại biểu rất đa dạng. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của điạ phương và trách nhiệm của Bộ trưởng.
Giải trình của Bộ trưởng đã nêu được vấn đề, tuy nhiên mong muốn của cử tri, của đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, chất lượng giáo dục từ bậc mầm non. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với việc đánh giá, cơ cấu lại các trường đại học. Cần thể hiện sự quyết tâm để nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, vai trò quản lý nhà nước trong việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quan tâm tới tiêu chuẩn để giáo viên tự rèn luyện, đạt được tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức.