Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là biểu tượng văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của dòng giống con Lạc cháu Hồng. Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các vị vua có công khai sáng, mở nước cho đời đời con cháu.
Con người có Tổ, có TôngLễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là hội lễ tưởng niệm mười tám đời vua Hùng. Theo bộ sách dư địa chí “Đại Nam nhất thống chí”, sau khi Hùng Vương mất, người dân địa phương đã lập miếu thờ. Theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên sau khi Hùng Vương mất, An Dương Vương đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng ngày 24/2/2015. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Quần thể di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Hùng hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ). Khu di tích đền Hùng gồm có 4 đền và một lăng Tổ. Cổng đền được xây từ năm 1917. Từ cổng đền đến đền Thượng hàng trăm bậc thềm với 3 khu vực: Đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và lăng mộ Tổ. Mộ Tổ Hùng Vương nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đặt theo hướng chếch Đông Tây (hướng mặt trời mọc và lặn). Mộ Tổ xưa được xây đơn giản, chỉ là mộ đất có mái che. Tới năm 1874 mộ được xây như kiểu dáng ngày nay. Các giá trị văn hóa truyền thống cội nguồn được quy tụ về nơi thờ tự thiêng liêng của dân tộc: Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, cùng các công trình văn hóa đã và đang được tôn tạo để đón đồng bào cả nước về thăm viếng Tổ tiên.
Từ xa xưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Khi bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ, triều Tiền Lê đã chú trọng đến lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đặc biệt là thời Hậu Lê, từ triều Lê Thánh Tông đã chính thức hóa vị trí khởi đầu lịch sử dân tộc của các vua Hùng trong sử sách và ngày Giỗ Tổ chung của cả nước. Cuốn ngọc phả “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” (1472) có đoạn viết: "Từ thời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến thời đại ta bây giờ là Hồng Đức hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích). Nơi đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa". Năm 1917, sau khi tổ chức đại trùng tu khu di tích Đền Hùng, triều đình Huế đã quyết định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 10-3 Âm lịch, giao cho tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ vào năm lẻ, tuần phủ Phú Thọ làm chủ tế, năm chẵn triều đình cử Thượng thư Bộ lễ làm chủ tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham gia trồng cây tại Khu di tích Đền Hùng dịp đầu Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN |
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 19/9/1954, đến thăm Đền Hùng, Bác Hồ đã có lời căn dặn câu bất hủ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Ngày 18/9/1962, Người tiếp tục về thăm Đền Hùng và nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm viếng”.
Bốn phương hội tụTrải qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi và trở thành một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị, là biểu tượng, cội nguồn của tinh thần dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sáng tạo tự nhiên của người Việt qua trường kỳ lịch sử, sáng tạo này mang tầm kiệt tác của nhân loại. Bởi vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một truyền thống văn hóa cần được bảo tồn và phát huy, và tự thân quá trình phát triển của nó trong lịch sử đã được các thế hệ người dân bảo tồn, biến thành tài sản văn hóa, đồng hành cùng thực tại, để bước vào tương lai.
Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được coi là ngày lễ lớn của dân tộc, ngày toàn dân hướng về cội nguồn. Công văn số 1149/CP-VX của Chính phủ ban hành ngày 19/12/2001 nêu rõ: Nhất trí với đề nghị chính thức xác định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm, là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc; đồng thời đề nghị gọi theo truyền thống là "Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương". Đến ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong phần lễ, nghi thức dâng hương của các đoàn đại biểu được tiến hành long trọng tại đền Thượng. Phần hội, diễn ra tưng bừng, náo nhiệt quanh chân núi Hùng. Các hình thức văn hóa truyền thống và hiện đại được tổ chức đan xen nhau, nổi bật là những trò chơi văn hóa dân gian, tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống.
Hiện nay, hầu hết các di tích trên đất Tổ đều liên quan mật thiết đến các lễ hội dân gian đặc sắc như: Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Hội phết Hiền Quan, Trò trám và rước lúa thần ở Tứ Xã, Tịch điền ở Minh Nông, Cướp cầu - đánh phết ở Sơn Vi, Rước chúa gái ở Hy Cương, Rước kiệu ở Hùng Lô, Hát xoan và sự tích bánh chưng - bánh dầy ở Kim Đức, Ném chài ở làng Vân Luông - Vân Phú, Tắm ngựa ở Hiền Đa, Giã bánh dày ở làng Trúc Phê, Múa Mỡi làng Lưa - Tân Lập, Trình nghề và cướp kén ở làng Dị Nậu... Những di tích và lễ hội này đã góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú trên đất Tổ Hùng Vương.
Hành hương về Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 (từ ngày 23 đến 28/4, tức từ 5-10/3 âm lịch), trong mỗi người dân Việt Nam luôn tràn đầy lòng biết ơn công lao của các vua Hùng, niềm tin vào sức mạnh trường tồn, bất diệt của dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương là sự hội tụ và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đền Hùng - cội nguồn sức mạnh Việt Nam sẽ là tâm điểm gắn kết Việt Nam với thế giới, thế giới với Việt Nam và đây cũng chính là nơi hội tụ và lan tỏa truyền thống cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam “từ Ðền Hùng nhìn ra cả nước và từ cả nước hướng về Ðền Hùng”.
Trần Tiến Duẩn