Cán bộ, đảng viên và người dân tham gia buổi đối thoại đồng thuận, thống nhất cao giải pháp để thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí có sự tham gia, vào cuộc của người dân; đồng thời thể hiện tinh thần tiếp tục chủ động tham gia vào công tác quy hoạch, tham gia “hiến kế, hiến của, hiến công”, đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công cuộc đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thích hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, người dân gửi 19 ý kiến xoay quanh 13 vấn đề như giảm nghèo bền vững; huy động các nguồn lực; phân bổ vốn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, phát triển kinh tế tập thể; vệ sinh môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống… Người dân Bến Tre đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó có việc đảm bảo đầu tư đồng bộ với xây dựng hệ thống thoát nước, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và mở rộng các tuyến đường khi có dấu hiệu xuống cấp; bố trí nguồn lực tại các xã để đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới, nhất là kinh phí thực hiện các tiêu chí cứng.
Người dân các huyện Cù lao Minh và huyện Giồng Trôm kiến nghị về việc thực hiện đầu tư và vận hành có hiệu quả hệ thống đê điều, thủy lợi để phát triển sản xuất; đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường, trong đó có giá ngành hàng dừa - một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh; kiến nghị cần tăng nguồn vốn vay cho người dân trong phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, hộ khó khăn...
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương đã tiếp thu, giải trình những ý kiến của nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy khẳng định những băn khoăn, lo lắng chính đáng của người dân sẽ được các cấp chính quyền và các ngành chức năng xem xét giải quyết đúng, đầy đủ và phù hợp với chính sách, quy định hiện hành.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị các cấp, ngành tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân, đưa nội dung các Bộ tiêu chí đi vào cuộc sống của từng hộ gia đình, người dân ở nông thôn. Các cấp, ngành tiếp tục vận động để cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tích cực, hăng hái hơn nữa trong thi đua sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế; nhất là tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã còn đạt ít tiêu chí để sớm thực hiện đạt các chỉ tiêu xây dựng xã, huyện nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn nên phải thực hiện thực chất, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, không nên quá cầu toàn, nóng vội mà phải bảo đảm sát với thực tiễn từng địa phương. Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh; quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới năm 2022, đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP cho cán bộ phụ trách ở cấp huyện, xã và chủ thể sản xuất. Đặc biệt là cần phát huy hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị quan tâm cụ thể hóa các nội dung nghị quyết, văn bản của Trung ương, chương trình của Tỉnh ủy liên quan xây dựng nông thôn mới theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan, rà soát các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình, đặc biệt là việc thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nước sạch và môi trường. Các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh công tác hướng dẫn thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể hóa các Chương trình chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục huy động, phân bổ các nguồn lực hợp lý để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Song song đó, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới thông qua việc nêu gương của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu, vận động nhân dân hiến quỹ đất, góp công sức kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn; nâng cao trách nhiệm tự quản của người dân tại cộng đồng để quản lý khai thác tốt các công trình văn hóa truyền thống, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa địa phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.