Theo dõi phiên chất vất và trả lời chất vấn, cử tri Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm tới các vấn đề như, công tác hướng nghiệp cho học sinh, việc khuyến khích học sinh theo học ngành sư phạm, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tập trung và dân chủ
Theo dõi phiên chất vấn, ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri. Nội dung chất vấn gắn với tình hình thời sự trong nước, phản ánh kịp thời nguyện vọng của cử tri. Các thành viên Chính phủ luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong trả lời chất vấn, trả lời, giải thích rõ ràng ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Nội dung tranh luận, đối thoại trực tiếp tại hội trường thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng tiến bộ, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri.
Theo ông Phạm Văn Hoàng, điểm đặc biệt tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là việc tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn không theo nhóm vấn đề. Đại biểu Quốc hội chất vấn vấn đề gì, thuộc lĩnh vực phụ trách thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa. Đây là sự đổi mới trong điều hành thảo luận, vừa sáng tạo, vừa linh hoạt tạo nên bầu không khí thật sự dân chủ, thu hút sự chú ý của đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri.
Theo bà Nguyễn Diệu Linh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Linh Thư (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11 diễn ra sôi nổi, đại biểu hỏi những vấn đề được cử tri quan tâm. Các thành viên Chính phủ bên cạnh giải đáp những thắc mắc của đại biểu, còn đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đạt được các mục tiêu.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Văn Thụ, đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, không khí chất vấn sáng nay rất sôi nổi, tập trung và dân chủ. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm câu hỏi. Các đại biểu tranh luận rất thẳng thắn để tìm được câu trả lời xác đáng.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề mang tính thời sự được cử tri cả nước quan tâm như xây dựng Chính phủ điện tử, quy hoạch quản lý không gian đô thị, thu thuế kinh doanh qua mạng, nâng cao chất lượng giáo dục, ô nhiễm không khí tại các đô thị… Đáng chú ý, tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đưa ra nhiều giải pháp căn cơ liên quan đến các vấn đề như mục tiêu kép phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, bài toán cân đối ngân sách, chính sách thu hút nhân tài, văn hóa từ chức…
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, việc làm
Bà Nguyễn Diệu Linh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Linh Thư (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cần đưa ra chính sách hiệu quả nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ người lao động. Cơ quan Trung ương cần nghiên cứu, khuyến khích việc hình thành các trường trung cấp, cao đẳng nghề gắn với giảng dạy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông. Ngành giáo dục cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, giúp học sinh nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó lựa chọn nghề nghiệp ngay khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.
Theo bà Nguyễn Diệu Linh, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt trong đời sống xã hội, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, cơ quan Trung ương và địa phương cần tăng cường nắm tình hình của doanh nghiệp trong cả nước. Nguồn lực của nước ta còn hạn chế, không đủ để đưa ra các gói hỗ trợ lớn, tuy nhiên, doanh nghiệp rất cần cơ chế, chính sách phù hợp để ổn định sản xuất kinh doanh.
Cử tri Lê Ngọc Như Phương, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm đến câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề có nhiều sinh viên ngành sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp nên học sinh không mặn mà với ngành sư phạm và ngành sư phạm không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo cử tri Lê Ngọc Như Phương, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên là vấn đề quan trọng hàng đầu của mỗi đất nước. Việc học sinh không mặn mà với ngành sư phạm kéo dài thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trong những năm tới. Thời gian qua, Chính phủ, ngành giáo dục đã có nhiều chính sách, giải pháp đặc thù với ngành sư phạm. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần có chính sách tổng thể, không chỉ quan tâm đầu vào, xây dựng chính sách khuyến khích thí sinh giỏi theo học ngành sư phạm mà còn giải quyết đầu ra, sắp xếp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, chính sách lương, đãi ngộ xứng đáng, điều kiện làm việc tốt để giáo viên toàn tâm toàn ý với công việc trồng người.
Khắc phục hậu quả bão lũ ở miền Trung
Theo cử tri Nguyễn Văn Thụ, đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế, thời gian qua, người dân miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng đã chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão và các đợt mưa lũ liên tiếp.
Thời gian tới, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai hỗ trợ để giúp người dân vùng bão, lũ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Các cấp, ngành sớm triển khai giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề cập như: Xây dựng phương án ứng phó hiệu quả; lập bản đồ cảnh báo vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm phá rừng…