Bên lề Quốc hội: Các chương trình mục tiêu quốc gia cần mang 'hơi thở' cuộc sống

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 27/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới.

Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ quan điểm của mình về hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.

Đầu tư đào tạo nghề, tín dụng cho người nghèo

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đánh giá cao việc Đảng và Nhà nước tập trung rất nhiều nguồn nhân lực, cũng như những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong thời gian qua và đạt được những thành công nhất định, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho rằng, bên cạnh những thành công, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nhiều và không đồng đều ở các vùng, miền. Đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Những tỉnh có diện tích rừng phát triển nhiều và phải giữ rừng, tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao. Sự chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị cũng còn rất lớn. Đó là những nỗi trăn trở và là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2030.

Cho biết có nhiều giải pháp đã được đưa ra để giảm nghèo bền vững, theo đại biểu, trước hết nên tách những hộ không có khả năng giảm nghèo, đó là những hộ gia đình neo đơn, không có điều kiện canh tác, không có nguồn nhân lực lao động, những người yếu thế không có người chăm sóc, quan tâm giúp đỡ. Cần tách những nhóm đối tượng đó riêng ra, không tính vào tỷ lệ giảm nghèo, những giải pháp đưa ra phải thực chất. Khi có giải pháp mới biết được hạn chế của giải pháp để có thể điều chỉnh trong thời gian thực hiện các chính sách giảm nghèo cho giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyệt cũng cho rằng, cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong giảm nghèo. Hiện nay, nhiều mô hình khoa học và công nghệ đã được áp dụng trong những chương trình giai đoạn trước, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng chưa được nhân rộng, ứng dụng.

"Tôi thấy rằng, thời đại hiện nay, công nghệ đứng hàng đầu, là then chốt của phát triển kinh tế, do vậy đối với các chương trình giảm nghèo cũng nên đặt khoa học công nghệ là then chốt của chương trình và tăng cường ứng dụng những mô hình đã có trước đây, chứ không nên chỉ chú trọng xây dựng các mô hình mới", đại biểu cho hay.

Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành liên quan, địa phương quan tâm đầu tư đào tạo nghề, chính sách tín dụng cho người nghèo. "Có việc làm thì mới có thể có thu nhập ổn định và như vậy mới bền vững.... Phải làm sao để người nghèo có thể tiếp cận được chính sách tín dụng nhanh nhất, hiệu quả nhất và kịp thời. Và như vậy, người nghèo mới có thể tự tin và có ý chí để vươn lên thoát nghèo", đại biểu nói.

Bám sát thực tế, nhu cầu của người dân, cơ sở

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhấn mạnh Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần có những hoạt động cụ thể, thực chất, mang “hơi thở” cuộc sống để hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các bộ, ngành, địa phương cần tìm hiểu xem người nghèo đang có những gì và cần gì để hỗ trợ thoát nghèo, tăng khả năng chống đỡ với rủi ro và tự vươn lên được.

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu lưu ý, hoạt động đầu tư không chỉ có nghĩa là mang tiền để xây dựng nông thôn, mà còn cần hỗ trợ để người dân tăng thêm các nguồn lực, góp phần tạo ra các điều kiện phát triển cho vùng nông thôn mới.

Chính vì vậy, đại biểu Cường cho rằng, điều quan trọng đầu tiên trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia là phải bám sát vào thực tế, nhu cầu của người dân, cơ sở, địa phương, xem người dân, cơ sở cần gì, từ đó trao đổi, đánh giá, cùng thảo luận với người dân. Và khi người dân đề xuất những nhu cầu cần hỗ trợ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mới triển khai các phương thức để giúp người dân thực hiện những mong muốn của họ. Từ đây, nguồn tiền của chương trình chỉ mang tính hỗ trợ thêm cho người dân trong quá trình tự vươn lên thoát nghèo, hay xây dựng nông thôn mới.

Đánh giá cao công tác giảm nghèo thời gian qua, đại biểu Cường lưu ý "nghèo" là một khái niệm tương đối. Hôm nay, có thể theo tiêu chí này, đánh giá đã đạt được tiêu chí giảm nghèo, nhưng đánh giá theo bộ tiêu chí, tiêu chuẩn khác hay theo sự phát triển của xã hội, số lượng người nghèo có thể vẫn còn ở mức cao. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần có một hệ tiêu chí tương đối đầy đủ để đánh giá xem việc đạt được chỉ tiêu giảm nghèo ở dạng tiêu chí nào, toàn diện hay không.

Không để người nghèo nghèo hơn do đại dịch

Nhấn mạnh khó khăn của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh nhất đến người nghèo, người lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định, những người đang phải phụ thuộc vào hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra hằng ngày, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách của Chính phủ cần chuyển sang hỗ trợ những nhóm đối tượng này đầu tiên. Đại biểu hy vọng, với những gói hỗ trợ của Chính phủ đang triển khai hiện nay, những nhóm đối tượng trên sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh rủi ro để bị đẩy vào điều kiện khó khăn và nghèo hơn nữa.

Trước ý kiến cho rằng, đại dịch hay chuẩn nghèo mới có thể khiến gia tăng số lượng người nghèo, qua đó gây áp lực lên tài chính và khả năng hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Cường cho rằng, gói tài chính của Chương trình và các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã chỉ ra rất rõ những đối tượng thụ hưởng. Những đối tượng mà trước đây chưa phải là người nghèo, nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuẩn nghèo mới mà rơi xuống trạng thái người nghèo thì đương nhiên sẽ được hưởng hỗ trợ.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, gói tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không phải là dùng tiền để chia đều cho những người nghèo, mà sẽ hỗ trợ các địa phương, các vùng và nhóm người nghèo để họ có công cụ, phương tiện, môi trường, từ đó tự vươn lên. Đại biểu Cường cho rằng, không nên quá lo ngại khi số lượng, hay một số thành phần người nghèo biến động, làm thay đổi áp lực cho gói tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia, mà quan trọng nhất là khi điều hành gói tài chính cho Chương trình, Chính phủ, cơ quan chức năng, địa phương phải có cách thức thực hiện linh hoạt, thay đổi kịp thời để phù hợp với các đối tượng người nghèo trên thực tế.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chung quan điểm với đại biểu Cường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) cho biết, khi đưa nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng đã tính toán và Quốc hội có chủ trương về trường hợp phát sinh nghèo do tác động trực tiếp của COVID-19.

Do đó, khi đã được tính toán, đại biểu cho rằng, những người, những hộ rơi vào tình trạng nghèo do tác động của đại dịch sẽ được phân loại, phân nhóm, phân tích. Đại biểu cũng lưu ý, những người nghèo do dịch bệnh, không phải là nghèo đa chiều. Người nghèo đa chiều tính tới nhiều yếu tố về dịch vụ cơ bản của xã hội như các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long do điều kiện sinh sống, điều kiện tự nhiên và địa lý không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, các mô hình kinh tế - xã hội. Do vậy, theo đại biểu, cần có sự phân loại, phân tích kỹ giữa nhóm người nghèo do dịch bệnh và người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, Chính phủ sẽ có những chính sách an sinh xã hội phát sinh phù hợp để giải quyết từng vấn đề xã hội.

Việt Đức (TTXVN)
Bộ trưởng NN&PTNT: Tạo nền tảng để nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Bộ trưởng NN&PTNT: Tạo nền tảng để nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận sáng 27/7 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN