Các đại biểu đánh giá, qua 10 năm triển khai, với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện và mang tính lịch sử. Kết quả này đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc sống của người dân, tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn, khắp mọi miền đất nước...
Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng, thời gian qua, diện mạo nông thôn trên cả nước có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Đại biểu đề nghị tiếp tục xây dựng nông thôn mới bền vững, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn vẻ đẹp của nông thôn.
Về tỷ lệ phấn đấu có ít nhất 60% thôn, bản, ấp thuộc xã đặc biệt khó khăn hoàn thành nông thôn mới, theo đại biểu, Chính phủ cần rà soát lại tiêu chí này, bởi chúng ta chưa đánh giá kết quả xây dựng thôn, bản, ấp trong thời gian vừa qua; có đánh giá chính xác mới có thể đưa ra mục tiêu sát hơn với tình hình thực tế. Theo đại biểu, xây dựng nông thôn mới phải xác định người dân là chủ thể, vì vậy cần quan tâm đến giải pháp huy động nguồn lực trong nhân dân, để Chương trình đạt hiệu quả cao.
Xác định những năm tiếp theo, việc thu ngân sách nhà nước sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, những xã, huyện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước kia, đại biểu đề xuất, Chính phủ nên nghiên cứu, cân đối ngân sách từ trung ương cho các địa phương thay bằng việc chỉ hỗ trợ theo quy định trước đây.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt (Đắc Lắk) cho rằng, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa biết đến thời điểm nào kết thúc. Vì vậy, Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Cụ thể, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ, cần tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng, miền, trong đó chú trọng đến miền núi, vùng Tây Nguyên để bố trí nguồn vốn, giúp các địa phương ở vùng thật sự khó khăn có thêm nguồn lực để triển khai thực hiện mục tiêu, các nội dung của Chương trình một cách hiệu quả.
Khai thác lợi thế vùng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp
Để Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới chất lượng, đi vào chiều sâu, bền vững, đại biểu Nguyễn Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ những vấn đề tồn tại, hạn chế, cùng những bài học kinh nghiệm về cơ chế phối hợp vận hành giữa các chủ thể thực hiện Chương trình. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm với cộng đồng; khơi dậy sự tự nguyện và đồng thuận của xã hội về xây dựng nông thôn mới với vai trò đầu tàu, dẫn dắt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng là hết sức quan trọng.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, vì phụ nữ ở nông thôn vẫn hằng ngày đối mặt với khoảng cách giới trong lao động, việc làm, trong tiếp cận tài sản, thông tin dịch vụ chăm sóc y tế. “Cần thúc đẩy bình đẳng giới trong việc làm, phát triển kinh tế nông thôn, trong gia đình, nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở nhiều vùng nông thôn hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, pháp luật không còn phù hợp hoặc ban hành mới, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước áp lực vừa phải tiếp tục đầu tư duy trì, phát huy hiệu quả, vừa phải hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sẽ cần một gian dài để tiếp tục khắc phục ảnh hưởng, phục hồi kinh tế xã - hội.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước nhưng vẫn còn đó nhiều rào cản liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, rất cần có sự quan tâm để tháo gỡ như: giao thông chậm được đầu tư; điệp khúc “được mùa rớt giá”; giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao khiến giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường sống, môi trường sản xuất cũng luôn khiến cho sản xuất nông nghiệp thường xuyên bấp bênh, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng, tiêu chí thu nhập thiếu bền vững.
Cùng với cả nước, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang cũng đang phải dốc sức chống dịch cả trên bộ lẫn trên sông, từ biên giới đến nội địa. Bước vào mùa mưa, người dân đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang, tiếp tục phải lo lắng về tình hình sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng cả về quy mô và tần suất, với mức độ ngày càng nguy hiểm.
Đại biểu đề nghị, Chính phủ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nhằm khai thác tốt hơn lợi thế vùng, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao đời sống, thu nhập của bà con nông dân. Đồng thời, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhất là về tiêu chí nhà ở nhằm bố trí, sắp xếp, từng bước di dời người dân ra khỏi các khu vực sạt lở có nguy cơ cao, góp phần giúp cho người dân tại các khu vực sạt lở có điều kiện, cơ hội nhiều hơn để sớm ổn định cuộc sống và giảm bớt phần nào gánh nặng cho các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới phát triển bền vững.
Tăng cường chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhiều nơi đã thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất truyền thống.
“Sản phẩm của nông dân đã phát triển và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được quản lý, khai thác, phát triển, từ đó góp phần phát huy được danh tiếng, uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm hàng hóa ở địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, nhiều hộ dân đã bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các hoạt động kết nối cung, cầu để tiêu thụ nông, lâm sản và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ về mục tiêu của Chương trình là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân theo hướng bền vững là hết sức cần thiết.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn xuất với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, quy trình công nghệ, ứng dụng kết quả vào chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quan tâm bố trí nguồn kinh phí theo hướng tăng dần qua các năm để thực hiện chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.