Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu

Ngày 2/6, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) về triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô trong năm 2022 với những thách thức và cơ hội đan xen.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tin tức. Ảnh tư liệu: Viết Tôn/Báo Tin tức

Xin đại biểu đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay?

Các số liệu kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm nay cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang được phục hồi. Bắt đầu từ quý II, tình hình sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện theo từng tháng.

Nếu như trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng 7,1% so với cùng kỳ, thì trong 5 tháng đã tăng 8,3%. Tương tự, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng 9,7% trong 5 tháng đầu năm, vượt xa so với mức 4,4% của quý I năm nay. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu vẫn giữ vững được đà tăng trưởng 2 con số.

Nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, lãi suất đầu vào tuy có tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng nhưng lãi suất đầu ra vẫn được kiềm chế nhờ gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Do đó, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh vẫn được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dường như còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hướng đến nền kinh tế; trong đó, có thị trường vốn và bất động sản. Xin đại biểu cho biết ý kiến về nội dung này?

Tôi cảm thấy lo ngại, khi chỉ vì lý do đối phó với một số doanh nghiệp vi phạm mà nguồn vốn cho kinh doanh bất động sản đang bị kiểm soát quá chặt, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Điều này sẽ khiến giá bất động sản tiếp tục tăng chứ không giảm, làm cho chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng cao.

Về thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở pháp lý và chấn chỉnh quản lý để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, đóng vai trò kênh dẫn nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, chứ không thể chỉ chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngắn hạn từ các ngân hàng như bấy lâu nay

Có ý kiến bày tỏ băn khoăn về áp lực lạm phát sẽ ở mức cao, đại biểu nhận định thế nào về vấn đề này?

Giá xăng dầu và nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tăng cao nên không thể không lo ngại về áp lực lạm phát, nhưng tôi cho rằng, lạm phát vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

5 tháng đầu năm nay, CPI mới tăng bình quân 2,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn 2017-2020. Bởi vậy, Chính phủ sẽ không quá khó khăn để hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 4%, cho dù giá xăng dầu có thể sẽ vẫn được neo ở mức cao như hiện nay.

Tuy vậy, tôi vẫn đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn rất nhiều.

Theo đại biểu, những giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần nào tập trung thực hiện trong thời gian tới?

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, thậm chí trong trường hợp tăng trưởng năm nay có thể đạt trên 7%, thì GDP trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cũng mới chỉ ở mức trên 4%. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Điều này hàm ý rằng, Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm; trong đó, cấp bách nhất là phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hiện việc giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng.  Nếu thời gian tới tình hình không tiến triển, tôi đề nghị chuyển nguồn lực này cho khu vực tư nhân thông qua các gói hỗ trợ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% cho cả nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn những cải cách đột phá để tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp. Hiện những rào cản pháp lý cùng với thủ tục hành chính phiền hà và tâm trạng bất an đang là những trở lực lớn cho những nỗ lực phục hồi của họ, điều này rất cần phải được quan tâm tháo gỡ.

Đại biểu kỳ vọng như thế nào về bức tranh kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay?

Tôi cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt dần lên nhờ việc tích hợp và cộng hưởng khá hài hoà của các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Cùng với việc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân thông qua các cải thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu tăng trưởng 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được.

Thực tế, các tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)... cũng ghi nhận hiệu quả của chính sách vaccine thần tốc “đi sau, về trước” của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh và đồng loạt đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa.

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, Việt Nam là một trong 2 nền kinh tế ít ỏi ở châu Á, từ đầu năm đến nay, đã được tổ chức này nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thuý Hiền - Diệp Anh/TTXVN (Thực hiện)
Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%
Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN