Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Trao đổi bên lề kỳ họp, các đại biểu ghi nhận những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2022, đồng thời bày tỏ tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có những tín hiệu đáng mừng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tiếp tục tăng ở mức 8,3 %. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường là gần 100.000 doanh nghiệp, tăng 26 % so với cùng kỳ. Một tín hiệu rất đáng mừng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7 %. Đặc biệt, những lĩnh vực về dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành bắt đầu tăng trưởng dương trở lại. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng qua tăng rất cao, trên 363.000 người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng trên 16 %, trong đó xuất khẩu nông nghiệp đạt 23 tỷ USD. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tỷ giá được giữ vững, chỉ số CPI bình quân vẫn trong tầm kiểm soát là 2,25%...

Tuy nhiên, đại biểu nhận định, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn đến khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu, xăng dầu, khí đốt kéo theo mặt bằng giá cả khác cũng tăng. Với đất nước có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình biến động của thế giới, đặc biệt là vấn đề nhập khẩu, lạm phát.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Tp Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Về giá xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã sử dụng các công cụ để kiểm soát nhưng giá vẫn tăng. Do đó, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sớm xem xét để tiếp tục giảm các loại phí, thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu và các loại giá cả khác liên quan đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

“Nếu kiểm soát tốt lạm phát, chấp nhận các khoản chi hỗ trợ, các khoản chi để giảm thuế nhằm kéo giá xăng dầu xuống; cộng thêm các công cụ kiểm soát giá, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, chống các hành vi “té nước theo mưa” sẽ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra từ 6-6,5 %”, đại biểu khẳng định.

Theo đại biểu, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã đưa ra dự báo, Việt Nam có thể tăng trưởng tới 6,9 %. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, Việt Nam tăng trưởng trên 6,5 %. Điều quan trọng hiện nay là phải kéo giảm lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đại biểu đánh giá, nền tảng cho sự phát triển đã có rất đầy đủ. Ngành Du lịch phục hồi tốt, tổ chức thành công SEA Games, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng qua tăng 7,8 %; dư nợ tín dụng tiếp tục tăng. Đặc biệt, các gói tài khóa, tiền tệ đang được Chính phủ nỗ lực triển khai. Ngoài hỗ trợ an sinh xã hội, Chính phủ còn hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp vay vốn; thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh, từ đó đạt tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) bày tỏ niềm tin Chính phủ sẽ thực hiện được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Các số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 5/2022 cho thấy, nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng cao, lạm phát duy trì ở mức kiểm soát, xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức 2 con số. Các cân đối khác của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. “Nếu tiếp tục đà như quý I, năm nay chúng ta có hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, tăng trưởng đạt 6 - 6,5%”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc khẩn trương triển khai gói hỗ trợ để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá để đẩy nhanh đầu tư công vì lĩnh vực này đang triển khai khá chậm.

Về ý kiến băn khoăn áp lực lạm phát đang rất lớn, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, với dư địa hiện nay, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% không phải là nhiệm vụ khó đối với Chính phủ. Mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng đây không phải là nỗi lo ngại lớn về lạm phát. Bởi nhu cầu tiêu dùng của người dân sau thời gian dài bị “bào mòn” bởi dịch bệnh không cao, cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, hiện nay, giá xăng dầu biến động mạnh. Qua tiếp xúc cử tri, người dân rất băn khoăn, nếu giá xăng tiếp tục tăng cao sẽ kéo theo một loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là những người nghèo sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để kiềm chế giá xăng dầu, trong đó có giảm các loại thuế để bình ổn giá xăng dầu, tránh những tác động đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng.

Phan Phương (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Khắc phục các bất cập, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Bên lề Quốc hội: Khắc phục các bất cập, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; vấn đề thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN