Bên lề Quốc hội: Khắc phục các bất cập, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; vấn đề thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phan Đức Hiếu trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về nội dung thảo luận này, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã chia sẻ các nội dung liên quan như: Thực hiện gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế; kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu để kiểm soát được lạm phát và mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt được 6% trong năm 2022.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Thực hiện ngay những dự án đủ điều kiện

Gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế có nhiều biện pháp được triển khai rất nhanh nhưng khi thực hiện gặp khó chẳng hạn như cơ chế để cấp bù lãi suất. Vì vậy, việc triển khai giải ngân gói hỗ trợ này mới được thực hiện gần đây.

Bên cạnh đó, có nhiều giải pháp đang trong quá trình xây dựng chính sách như gói đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ vẫn đang trong quá trình xây dựng danh mục, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư trước khi phân bổ vốn đầu tư. Như vậy, so với kỳ vọng việc giải ngân là chậm.

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt và chỉ trong vòng 1 tháng, Thủ tướng đã ra 3 công điện, rồi đôn đốc, thúc đẩy thực hiện gói hỗ trợ này và gần đây nhất, Chính phủ cũng đã thành lập 6 tổ công tác… nhưng vẫn chậm.

Tôi cho rằng, ưu tiên quan trọng nhất hiện này là đẩy nhanh tốc độ để tăng tính kịp thời khi thực thi các biện pháp, hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội; Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tôi đề xuất, trong việc giải ngân vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thay vì đợi một danh mục hoàn chỉnh sau đó, báo cáo Thường vụ Quốc hội rồi tiến hành phân bổ thì làm theo cách cuốn chiếu.

Bởi, trong Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã đưa ra được 6 tiêu chí xác định các dự án đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào danh mục để bố trí vốn đầu tư công. Vì vậy, những dự án nào đủ tiêu chí, đủ điều kiện nên triển khai trước.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6%

Trước tình hình lạm phát đang gia tăng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng phải tập trung vào đẩy mạnh phát triển các ngành động lực để tăng trưởng. Cùng đó, muốn có động lực tăng trưởng, các ngành đó phải ổn định đầu vào sản xuất, phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa trước và sau. Nghĩa là, nguồn nguyên vật liệu đầu vào giá cả phải ổn định; đầu ra phải gắn kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn hoặc có thể xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường lớn trên thế giới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn phát biểu ý kiến tại hội trường sáng 30/5/2021. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Để có nguồn nguyên liệu ổn định phải kiểm soát được lạm phát. Đồng thời, kết hợp với nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để ổn định lãi suất, tỷ giá và giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần các chính sách miễn giảm, giãn thuế như: thuế nhập khẩu để doanh nghiệp có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, xâm nhập vào thị trường tốt hơn.

Với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nêu trên cùng với kiểm soát được dịch COVID-19, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt được 6% trong năm 2022. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Kiểm soát đà tăng của giá xăng dầu

Theo dự báo của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng trong kỳ điều chỉnh chiều ngày 1/6 tiếp tục tăng và vượt ngưỡng 31.000 đồng mỗi lít. Việc kiểm soát giá xăng dầu là nội dung đặc biệt quan trọng mà Chính phủ, liên Bộ Công Thương - Tài chính quan tâm. Bởi, kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI.

Mặc dù, mặt hàng xăng dầu điều hành theo cơ chế thị trường không có nghĩa giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng theo. Bộ Công Thương cần điều hành giá xăng dầu theo hướng đảm bảo mức giá có biên độ giao động nhỏ, phục vụ ổn định cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và trong phạm vi kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Tuy nhiên, việc kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá xăng dầu ở mức thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và dầu thế giới sẽ dẫn đến buôn lậu xăng dầu. Cùng đó, việc chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và xăng dầu thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Hệ quả là phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... và khi đó, thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành theo đúng cơ chế thị trường.

Về dài hạn, giá xăng dầu tiếp tục tăng, thiết lập các kỷ lục mới là điều bình thường. Nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì Chính phủ cần có các giải pháp cần thiết kiểm soát giá xăng dầu để giá mặt hàng này không tăng quá cao, vượt qua sức chống chịu của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp.

Diệp Anh - Thúy Hiền (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Cần gỡ khó hiệu quả hơn nữa để trở lại nhịp sống trước đại dịch
Bên lề Quốc hội: Cần gỡ khó hiệu quả hơn nữa để trở lại nhịp sống trước đại dịch

Để nhân dân, nhất là người lao động yếu thế và người sử dụng lao động trở lại với nhịp sống trước đại dịch cần Quốc hội, Chính phủ triển khai thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn hiệu quả hơn nữa - Đó là ý kiến bên lề Kỳ họp thứ 3 của nhiều đại biểu Quốc hội vào sáng 1/6 khi thảo luận về các vấn đề kinh tế- xã hội của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN