Những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát; khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là nhận định của các đại biểu Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trao đổi bên lề Kỳ họp sáng 27/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chỉ rõ: Trong giai đoạn 2020 - 2021, những tháng đầu năm 2022, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đại dịch COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, với chủ trương đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự đồng thuận của toàn xã hội nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức khá trong khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, kiểm soát lạm phát ở mức thấp (1,84%); tăng trưởng tín dụng đáp ứng được nhu cầu.
Theo đại biểu, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động cũng là điểm sáng trong báo cáo của Chính phủ. Trong làn sóng đại dịch COVID-19, nhiều công xưởng, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế phải tạm dừng hoạt động; người lao động không có việc làm, phải giãn cách xã hội, trở về quê… Mặc dù vậy, những gói kích thích hỗ trợ cho các đối tượng này đã được kịp thời ban hành; các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, đưa người dân trở lại làm việc ổn định, đồng thời tạo ra một số việc làm, ngành nghề mới. Từ đầu năm 2022 đến nay, một lượng lớn doanh nghiệp được thành lập mới, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động.
“Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, người dân rất yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các địa phương cũng bắt nhịp để khôi phục lại sản xuất”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích, hai năm qua, tình hình kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hai năm liên tiếp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt được mục tiêu, năm 2020 tăng trưởng GDP ở mức 2,91%; năm 2021 là 2,58%. Tuy nhiên, đặt trong tình hình chung của thế giới, đây là mức tăng trưởng rất khả quan. Đặc biệt, năm 2020, kinh tế thế giới âm 6,1% nhưng Việt Nam đạt mức 2,91% là một trong những điểm sáng toàn cầu.
Ngoài ra, trong lúc đại dịch COVID-19 với những biến chủng liên tiếp thay đổi, thời điểm hết sức khó khăn, nhưng chúng ta lo được vaccine cho gần 100 triệu dân là thành tựu rất đáng trân trọng.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương. Tại Thành phố Chí Minh, 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã phục hồi rất rõ nét, trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
Theo Báo cáo của Chính phủ, CPI bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%. Đại biểu cho rằng, chỉ số này vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm (2015 - 2022) là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thu ngân sách Nhà nước tăng 16,8%; từ đó kéo giảm bội chi ngân sách nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm…
Đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, cần phân tích, làm rõ nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; trong đó trao quyền chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định một số giải pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù để đối phó linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội cũng triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển, tháo gỡ ngay vấn đề pháp lý cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh bằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật; kích hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư 5 Dự án quan trọng quốc gia, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.