Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 5 phiên họp thường kỳ, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc ngày, đêm để tập trung chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 3; đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này; đã chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Chủ tịch nước, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cử tri, trân trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội, đồng thời phấn đấu tiết giảm tối đa thời gian của Kỳ họp.
Dự kiến trong 19 ngày làm việc (từ ngày 23/5 - 16/6/2022), Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu 6 dự án luật khác.
Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Về giám sát chuyên đề, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong gần một năm qua, các đại biểu Quốc hội đã bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân; thường xuyên gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát thực tiễn để chuyển tải vào chương trình nghị sự của Quốc hội; không ngừng nâng cao trình độ và năng lực mọi mặt trong hoạt động. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đó, góp phần làm nên thành công của Kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tháng 1/2022; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi ngân sách Nhà nước là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP); kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%)...
Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021…
Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng nhận định, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển liên kết vùng và phát triển đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19...
Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp ngắn hạn đã thực hiện và tác động lan tỏa của những chính sách, giải pháp dài hạn đã được ban hành, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số tăng thu ngân sách trung ương năm 2021; tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; rà soát khả năng chi trả của các tổ chức phát hành có trái phiếu đến hạn trong thời gian tới, có biện pháp để bảo đảm phương án trả nợ cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các vấn đề sốt đất ảo, rủi ro từ thị trường bất động sản, nguy cơ nợ xấu mới phát sinh cũng cần được quan tâm và có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời…
Tại Phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo 6 nội dung lớn, trong đó có việc chỉ đạo tổng kết, đánh giá rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng. Cử tri cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế; có chính sách phù hợp cả về vật chất, tinh thần để động viên cán bộ ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, kẽ hở để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.
Chiều 23/5, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020.
Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 2.279.735,6 tỷ đồng, trong đó số thu ngân sách Nhà nước theo dự toán là 1.510.579,2 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 592.648,8 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2019 là 173.819,1 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước là 2.688,5 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 2.352.929,8 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách Nhà nước theo dự toán là 1.709.523,7 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2021 là 643.406,1 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách Nhà nước là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 213.088,6 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 3.317 tỷ đồng.
Cuối phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Một số đại biểu đề nghị đưa chuyên đề: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để Quốc hội giám sát tối cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, hai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế .
Nghị quyết số 88/2014/QH13 được Quốc hội ban hành cách đây gần 8 năm, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ban hành cách đây gần 5 năm. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì sau 2 năm nữa (năm học 2024 - 2025) sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông. Việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết này, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai.
"Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành Giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các Nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông rất cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội", đại biểu nhấn mạnh.