Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cụ thể, phù hợp với thực tế

Theo Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn, để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, sử dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần làm tốt một số giải pháp như: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong đấu tranh, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng biên giới...

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Nhà Quốc hội, chiều 23/10/2021. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ngày 23/10, sau khi nghiên cứu các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên Lý Văn Huấn cho rằng, các báo cáo đã đánh giá cụ thể, rõ ràng về kết quả công tác của mỗi ngành trong năm 2021, thể hiện rõ những cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều kiện tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, thủ đoạn thực hiện tội phạm ngày càng tinh vi. Số vụ, việc mỗi ngành phải thụ lý, giải quyết tăng trong khi đó biên chế của mỗi ngành lại đang thực hiện lộ trình theo hướng giảm. Các báo cáo đều đã chỉ ra được những hạn chế và đề ra những giải pháp cụ thể, thể hiện rõ sự quyết tâm của mỗi ngành trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 nói riêng.

Theo Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn, để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, sử dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần làm tốt một số giải pháp như: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong đấu tranh, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng biên giới... tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhận thức và thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh và thống nhất, đồng thời có cơ chế để nhân dân tích cực, chủ động trong phát hiện tội phạm để báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
 
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường những biện pháp, giải pháp quản lý hệ thống các trang báo chí không chính thống, các trang mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi tuyên truyền, đưa thông tin không đúng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi phạm tội liên quan đến công nghệ như: Đánh bạc, lừa đảo... Các cơ quan có trách nhiệm trong đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; chú trọng trong tuyển dụng, đào tạo cán bộ để nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng khả năng với từng vị trí công tác.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan cần có cơ chế, trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra các hành vi tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước hoặc lợi dụng khoa học, công nghệ.. để thực hiện tội phạm mà không được phát hiện, xử lý kịp thời; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật theo hướng cụ thể hơn, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt là việc giải thích, hướng dẫn trong xử lý một số hành vi phạm tội cụ thể của các cơ quan có trách nhiệm trong giải thích, hướng dẫn pháp luật...
 
Cũng theo đại biểu Lý Văn Huấn, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời cũng phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Chuyển đổi số”, “Quốc gia số” và xu hướng hội nhập quốc tế về tư pháp.
 
Để thực hiện tốt việc tổ chức phiên tòa trực tuyến ngành Tòa án cần phải chuẩn bị tốt các nội dung: Trước hết, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan ban hành Thông tư liên tịch cũng cần xem rõ đến điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để vận hành phiên tòa trực tuyến, bởi hiện tại cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ cho phiên tòa trực tuyến ở cấp cơ sở chưa đáp ứng, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao kịp thời có hướng dẫn chi tiết việc xét xử trực tuyến đối với những loại án nào; về trình tự, thủ tục tố tụng và cách thức tổ chức phiên tòa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cần đưa ra các quy định khác về đảm bảo quyền con người, quyền theo quy định của pháp luật đối với bị cáo, người bị hại trong vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn dân sự... trong vụ án dân sự và sự tham gia của họ.
 
Về lộ trình thực hiện, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đến hết ngày 30/12/2024, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tổng kết việc triển khai kết quả báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2024 là phù hợp.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 23/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN