Những điểm mới khai phá tiềm năng của công nghiệp điện ảnh
Qua 14 năm thực hiện, Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của ngành điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh.
Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân, các sự kiện phổ biến phim đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế là những minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng cho điện ảnh.
Tuy nhiên, sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh hiện hành tiếp tục đòi hỏi một môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Thực tế trên đòi hỏi những thay đổi để thích ứng với điều kiện và những mục tiêu mới.
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong đó, nhiều nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Trải qua 8 lần chỉnh sửa, bổ sung, Dự thảo Luật Điện ảnh được đánh giá là bám sát và thể hiện khá đầy đủ 4 chính sách Quốc hội đã thảo luận bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Trong đó, 3 vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, được xã hội quan tâm và tham gia góp ý trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Cụ thể, vấn đề thứ nhất là sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hình thức đấu thầu là một trong những hình thức chủ yếu đã được Luật hóa, cụ thể Luật Đầu tư đã quy định. Quy định này cũng có ưu điểm, tạo sự bình đẳng, cạnh tranh để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sản xuất tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, ngay trong báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thể hiện điều đó, cho rằng khâu tổ chức thực hiện là điểm yếu dẫn tới thời gian dài không thể đặt hàng sản xuất phim bằng hình thức đấu thầu. Điều này đòi hỏi nhiều nghiên cứu để hoàn thiện quy định này. Đồng thời, để không còn vướng mắc trong thực hiện, cần phải có quy định cụ thể, phù hợp để triển khai hình thức đấu thầu trong thực tế; có cơ chế khuyến khích thực hiện tốt hơn các quy định đặt hàng, như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế mua bản quyền phim để phục vụ nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Vấn đề được quan tâm thứ hai là việc quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng sẽ áp dụng hậu kiểm hay tiền kiểm. Cụ thể, Điều 21, Dự án Luật Điện ảnh đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng. Chính phủ có xu hướng trình ra là hậu kiểm, các thành viên Ủy ban cũng thảo luận và cơ bản đồng tình, cho rằng hậu kiểm là xu hướng tất yếu hiện nay, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý. Tuy nhiên, cũng cân nhắc là cần phải tính toán để làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của hậu kiểm, không bỏ lọt những bộ phim nhạy cảm xấu độc, ảnh hưởng tới chính trị, văn hóa, con người.
Phương án của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề ra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, được ban soạn thảo cơ bản đồng ý tiếp thu là cần có sự kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm: hậu kiểm là chủ yếu, gắn với tiêu chí phân loại rõ ràng, lượng hóa, cụ thể hóa, dễ hiểu, để cơ sở sản xuất phát hành căn cứ vào đó thực hiện tự phân loại; tiền kiểm để có cơ chế điều chỉnh cơ sở điện ảnh phát hành có tác động lớn tới chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đồng thời quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất phát hành phim; công cụ, cơ chế tự kiểm tra, phát hiện, gỡ bỏ và xử lý cơ sở sản xuất, phát hành phim vi phạm ảnh hưởng tới chính trị, xúc phạm uy tín, quyền con người...
Vấn đề thứ ba cũng rất được quan tâm là Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Trong đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng quỹ cần thiết, nhưng xây dựng Quỹ trong Luật bảo đảm khả thi và hợp lý, xác định rõ mục đích, nguồn thu, cơ chế quản lý, sử dụng quỹ. Hiện trong dự thảo, nguồn của quỹ chưa rõ, chưa bảo đảm độc lập và ổn định. Trong khi đó, Luật hiện hành đã quy định nhưng bao nhiêu năm chưa có ngân sách để đáp ứng, lần này cần tính toán ngay từ đầu liệu khả năng ngân sách có đáp ứng được không, nguồn có độc lập được không, cơ chế quản lý sử dụng làm sao không để trùng chi, trùng thu về ngân sách nhà nước; làm thế nào tạo sự công bằng, cạnh tranh, khuyến khích cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng tác phẩm đưa tới công chúng...
Lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội
Trải qua 8 lần chỉnh sửa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chia sẻ kỳ vọng: Trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật, nhiều ý kiến mong muốn các chính sách của Nhà nước cần cụ thể và khả thi hơn, tránh chung chung Luật khung, luật ống; làm sao tạo điều kiện, cơ chế, khuyến khích tổ chức cá nhân có điều kiện tốt nhất tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, có tác phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế.
“Không những cá nhân tôi mà thành viên Ủy ban, cơ quan soạn thảo, đối tượng liên quan, đặc biệt là các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh kỳ vọng dự thảo Luật có chất lượng tốt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được nguyện vọng của những người làm nghề, đáp ứng yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội cũng như văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước.” - Đại biểu Phan Viết Lượng chia sẻ.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ ý kiến: “Chúng ta hiểu công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế sáng tạo, sử dụng các tài năng của các nghệ sĩ kết hợp với vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các tác phẩm điện ảnh. Khi chúng ta đã thấy được các yếu tố tổng hợp như vậy thì chúng ta sẽ phải xây dựng Luật Điện ảnh để nó phù hợp hơn với cách quan niệm mới với bối cảnh xã hội mới. Làm như vậy thì chúng ta sẽ giúp cho ngành điện ảnh phát triển bền vững, nó có thể tạo ra những giá trị. Chúng ta có mơ ước rằng chúng ta sẽ làm được như Hàn Quốc, mơ ước là chúng ta sẽ có một nền điện ảnh phát triển, nó tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng kỳ vọng: “Công nghiệp điện ảnh đang phát triển theo mô hình kim tự tháp ngược, Nhà nước đang chú trọng vào phim điện ảnh nghệ thuật trong khi thiếu chính sách tạo thuận lợi và thúc đẩy cho phần nền móng - đó là hệ sinh thái dịch vụ phim nói riêng; hệ sinh thái ngành công nghiệp sáng tạo nội dung nói chung. Kỷ nguyên kỹ thuật số mang tới cơ hội thứ 2 quý báu cho ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm điện ảnh. Dù Luật Điện ảnh (sửa đổi) không thể đưa vào hết các chính sách phát triển ngành; nhưng có thể tạo cú hích lớn thông qua những quy định thuận lợi và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người làm sáng tạo nội dung”.
Liên quan đến vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Phó Cục trưởng Cục Điện Ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh khi được đưa vào Luật Điện ảnh 2006 đã tạo nên tâm lý tích cực, sự hy vọng lớn đối với điện ảnh, đặc biệt những nhà làm phim trẻ và người yêu điện ảnh nhưng hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Những nguyên nhân Quỹ không được hình thành nhiều năm nay đã được Ban soạn thảo giải trình cụ thể và lần này, Ban soạn thảo vẫn đưa vào Dự thảo Luật Điện ảnh, cố gắng để bảo vệ mục tiêu thành lập Quỹ”.