Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ: Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động điện ảnh phát triển, thu được những thành tựu nhất định, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của người dân. Thực tế đó đòi hỏi một đạo luật mới về điện ảnh ra đời nhằm luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật, thời gian qua, Ủy ban đã tổ chức làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan; làm việc với các tổ chức hiệp hội về điện ảnh; khảo sát thực tiễn tại một số địa phương, một số cơ sở điện ảnh trong cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tình hình thi hành Luật Điện ảnh trong thời gian qua trên các lĩnh vực: công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quản lý Nhà nước, thực trạng hoạt động điện ảnh trên cả 3 khâu: sản xuất, phát hành và phổ biến phim... Đồng thời, nhiều ý kiến cũng góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý để hoạt động điện ảnh Việt Nam phát triển.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, để tăng cường khả năng tiếp xúc thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, cần tạo ra cơ chế pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường. Thông qua nâng cao năng lực tài chính, các doanh nghiệp sẽ có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng.
Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh, với tính chất đặc thù liên quan đến truyền bá văn hóa, pháp luật điện ảnh nên xây dựng cơ chế về chương trình quốc gia nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Theo đó, chương trình điện ảnh quốc gia cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản xuất phim Việt Nam, tăng cường hoạt động quảng bá phim không chỉ giới hạn trong nước, mà còn ở các thị trường nước ngoài. Khi đó, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phim được nâng cao, tạo ra lợi thế kinh doanh đáng kể trong việc đàm phán với doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp phổ biến.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế duyệt phim tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề thì mới cấm chiếu và xử phạt). Ông Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, vấn đề này phải hết sức thận trọng. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh hậu quả xấu.
Theo ông Vương Duy Biên, đối với phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình không chiếu rạp và không phát hành rộng rãi quốc tế có thể áp dụng hậu kiểm. Đối với phim truyện điện ảnh, nó có phạm vi phổ biến rộng rãi, tác động nhanh và ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội. Nếu không có cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm duyệt nội dung trước thì các nhà sản xuất có thể sẽ đưa các hình ảnh về chính trị, chủ quyền quốc gia, bạo lực... vào phim, gây ra tác hại lớn đến đạo đức xã hội. Vì vậy, các tác phẩm phim truyện điện ảnh bắt buộc phải trải qua kiểm duyệt trước khi cấp phép trình chiếu.