Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam.
Sau 14 năm thi hành Luật, điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh. Nước ta đã có chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim... đã đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội đạt được nhiều thành tựu lớn về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt đứng trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Chính vì vậy, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, trải qua 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, đóng góp quan trọng cho công tác quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp của ngành điện ảnh. Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, năm 2019 trở thành năm có doanh thu phim Việt Nam cao nhất, đặc biệt là sự phát triển của các đơn vị sản xuất và phát hành, phổ biến phim tư nhân. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển xã hội hóa các hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển công nghiệp điện ảnh.
Tuy nhiên, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Trong đó, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động là những những nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Đi kèm với đó là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng đang diễn biến phức tạp mà luật chưa quy định cụ thể, chưa có chế tài xử lý. Thêm vào đó, các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất…
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra thảo luận lần này gồm 8 chương, 44 điều, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của điện ảnh thời đại công nghệ số và có tính khả thi.
Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: Những nội dung bị cấm trong hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim; thẩm quyền, phân cấp về cho các địa phương cấp phép phổ biến và phân loại phim. Các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề quản lý và phổ biến phim trên môi trường mạng; thành lập, nguồn thu và vận hành Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh; khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi); đánh giá tính dự báo và tính khả thi của các quy định tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)...
Sau hội nghị lần này, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiến hành đăng tải dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trang thông tin điện tử của Cục Điện ảnh trong 60 ngày theo quy định để lấy ý kiến rộng rãi; đồng thời gửi công văn xin ý kiến các bộ, ban, ngành và các đối tượng chịu tác động của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)… để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng trước khi thẩm định, trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2021.