Bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp gắn với khai thác bền vững tài nguyên sinh học

Sáng 17/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) (dự thảo Nghị định).

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tăng cường phân cấp, phân quyền

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 28 điều, kế thừa các quy định về: Bảo vệ, điều tra, đánh giá hiện trạng, nghiên cứu khoa học về thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; điều kiện nuôi, trồng, cấp mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; điều kiện xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, chứng chỉ CITES thuộc Phụ lục CITES.

Dự thảo Nghị định cập nhật kịp thời những thay đổi của Công ước CITES; tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, dự thảo Nghị định đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan; khắc phục tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện; kế thừa và bổ sung những điểm mạnh, nội dung còn phù hợp với thực tiễn trong các nghị định đã ban hành trước đây.

Cùng với việc bổ sung tiêu chí xây dựng danh mục động/thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định: trình tự, thủ tục khai thác mẫu vật động, thực vật thuộc Phụ lục CITES từ tự nhiên và từ nuôi, trồng; cấp gia hạn, cấp đổi mã số cơ sở nuôi, trồng; các trường hợp miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES; trình tự, thủ tục cấp thay thế, hủy giấy phép CITES; buôn bán với quốc gia không phải thành viên CITES; trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hoạt động khai thác, nuôi, trồng và xuất, nhập khẩu mẫu vật thuộc Phụ lục CITES.

Dự thảo Nghị định sửa đổi 7 nội dung gồm quy định: Không cấp giấy phép CITES nhập khẩu đối với loài thủy sản thuộc Phụ lục II và thuộc Phụ lục I có nguồn gốc từ cơ sở nuôi, trồng đã đăng ký mã số với Ban Thư ký CITES do loài thủy sản đã được quản lý theo quy định của pháp luật về thủy sản; điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; quy trình, thủ tục cấp mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng, cấp giấy phép; chế biến, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo, trưng bày, cất giữ mẫu vật các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; xử lý mẫu vật bị tịch thu của các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES; chức năng, nhiệm vụ quản lý CITES Việt Nam, cơ quan khoa học CITES Việt Nam; ban hành Danh mục loài thuộc CITES sau khi có điều chỉnh của Công ước CITES sau mỗi kỳ họp các quốc gia thành viên.

Phát hiện và xử lý ngay các vi phạm

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Yêu cầu thay đổi tư duy xây dựng Nghị định, lấy mục tiêu, kết quả làm thước đo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các quy định phải có tính thực thi cao trong thực tiễn, bao gồm cả biện pháp hành chính, kinh tế, thậm chí hình sự, để giải quyết tận gốc tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp.

Nghị định cần có chương quy định các giải pháp thay đổi nhận thức của người dân, xã hội, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ngay từ trong trường học đối với các hành vi khai thác, buôn bán, sử dụng động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp; đồng thời thực hiện cơ chế hậu kiểm, "phát hiện vi phạm lúc nào, xử lý ngay lúc đấy".

"Nghị định phải giảm cả nguồn cung lẫn nhu cầu tiêu thụ, sử dụng động vật, thực vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp, tiến tới kiểm soát, quản lý và chặn đứng tình trạng này", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý, hoạt động bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp cần gắn với khai thác bền vững, phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế của tài nguyên đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân bản địa.

Đối với hoạt động điều tra, nghiên cứu, đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học, Phó Thủ tướng đề nghị quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm công bố số liệu, xây dựng bản đồ, theo dõi biến động tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam.

Diệp Trương (TTXVN)
Chương trình quốc gia bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm
Chương trình quốc gia bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 49/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN