Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài cuối: Đồng hành vì sự phát triển

Lĩnh vực giao thông vận tải có tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên luôn được các đại biểu Quốc hội, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

Trong sự phát triển chung, báo chí đã đóng góp vai trò không nhỏ truyền tải thông tin kịp thời về những thành tựu, nỗ lực của ngành giao thông vận tải; cũng như chủ động phản ánh những vấn đề “nóng”, những bất cập, vướng mắc phát sinh để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, giúp ngành hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững hơn.

Chú thích ảnh
Các phương tiện đã dán thẻ VETC lưu thông qua làn thu phí tự động ETC tại trạm thu phí BOT Nội Bài - Lào Cai. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Tiếp thu nhiều phản ánh của báo chí và người dân

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, đối với ngành giao thông vận tải, hệ thống cầu, đường, sân bay, bến cảng... trải khắp mọi miền đất nước, hoạt động vận tải diễn ra mọi lúc, mọi nơi, đồng thời các kỹ thuật, công nghệ mới cũng luôn được cải tiến, phát minh. Chính vì vậy, “thông tin báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng và cần thiết đối với công tác quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành”.

Dẫn chứng vai trò của cơ quan báo chí, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, chiến dịch triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng trên cả nước (ETC- Electronic Toll Collection) ban đầu cực kỳ khó khăn vì đây là dịch vụ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, việc triển khai ETC đã cơ bản thành công, phát huy hiệu quả đầu tư.

Báo chí đã đẩy mạnh tuyên truyền, phân tích về những lợi ích của ETC mang lại như giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, minh bạch tài chính trong thu phí…, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Các chủ phương tiện ô tô ban đầu rất thờ ơ trong việc dán thẻ E-tag và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Nhưng nhờ cơ quan báo chí tuyên truyền tích cực hàng ngày, “mưa dầm thấm đất” tỷ lệ người dân quan tâm và dán thẻ tăng dần, đến nay đã đạt tới 92%.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng dịch vụ ETC như lỗi bị trả tiền hai lần, hay phương tiện không di chuyển nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền… Từ những phản ánh này, cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ chấn chỉnh và có giải pháp cải thiện dịch vụ.

Dưới góc độ địa phương, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, ngành giao thông luôn tiếp thu, cầu thị các phản ánh từ người dân, báo chí và có những giải pháp hữu hiệu để hoàn thiện hơn. Đơn cử, khi báo chí phản ánh tình trạng “nóng” về dịch vụ vận chuyển diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất đã giúp sở theo dõi, tham khảo và có phương án xử lý. Ngay sau đó, thành phố đã tiến hành tổ chức lại các làn xe công nghệ, taxi và cả làn đường dành cho xe buýt.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng nhìn nhận, những năm qua, các cơ quan báo chí; trong đó có TTXVN luôn đi sâu đi sát, kịp thời phản ánh những thông tin nóng của ngành giao thông vận tải để dư luận và xã hội chia sẻ; đồng thời, là cầu nối ngành giao thông vận tải với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân.  

Đặc biệt, trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua, báo chí đã có những đóng góp tích cực cùng ngành giao thông vận tải trong việc tuyên truyền các quy định, chính sách của Nhà nước và các giải pháp ứng phó với dịch bệnh, giúp hoạt động vận tải đi vào ổn định, thông suốt, kịp thời, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Thông tin chính xác là sức mạnh của báo chí. Tôi còn nhớ cách đây 3 năm, khi câu chuyện BOT cao tốc căng thẳng, dư luận xã hội có những nhận xét, cảm xúc khá tiêu cực về vấn đề BOT. Khi đó, Hội Nhà báo Việt Nam và Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ đã tổ chức hội thảo rất lớn có sự tham gia của các cơ quan quản lý và đại diện các cơ quan báo chí. Sau hội thảo đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, nhận thức của xã hội về vấn đề BOT đã có chuyển biến tích cực. Từ đó đến nay, không phải mọi vấn đề đã được giải quyết nhưng đều đang theo hướng tích cực về BOT, không ác cảm về BOT”.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí ngày nay có nghĩa vụ quan trọng đó là đồng hành, có nghĩa là đi trước, đi trong và đi sau ở mọi giai đoạn để người đọc hiểu đúng, hiểu trúng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều hành chính sách, hiệp hội cần có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin kịp thời cho báo chí, khi ấy báo chí mới đồng hành và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Nhiều thách thức cần báo chí đồng hành

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, năm 2023, ngành giao thông vận tải sẽ có nhiều thách thức trong việc hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Theo đó, nhiệm vụ năm 2023 ngày càng tăng với trọng tâm là giải ngân hơn 94.161 tỷ đồng. Đây là số vốn gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cao tốc Bắc – Nam phía Đông, khởi công một loạt các dự án thành phần cao tốc kết nối mọi vùng miền… tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000 km cao tốc trên cả nước vào năm 2030 như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ  XIII đề ra.

Đây là những dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, từ lúc hình thành dự án, xây dựng đến khi hoàn thành, khai thác vận tải, đảm bảo an toàn giao thông và duy tu, bảo trì sẽ không tránh khỏi nảy sinh các vấn đề. Do vậy, ngành giao thông vận tải luôn cần sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các cơ quan báo chí.

Các phóng viên thông qua các bài viết của mình kịp thời phản ánh, góp ý với ngành giao thông những vấn đề còn bất cập từ đó ngành kịp thời sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, để hoạt động giao thông vận tải được tốt hơn, hiệu quả cao. Đặc biệt, những vấn đề về giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc Bắc – Nam hay khó khăn về nguồn vật liệu… là vấn đề lớn vẫn rất cần sự vào cuộc phản ánh kịp thời của các cơ quan báo chí để nhân dân đồng thuận ủng hộ, cơ quan chức năng có những cơ chế giải quyết thích hợp.

Bên cạnh những thách thức về tiến độ hoàn thành, khởi công các dự án trọng điểm quốc gia trong ngành giao thông, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vấn đề bảo đảm an toàn, giảm tai nạn giao thông cũng là nhiệm vụ quan trọng, thách thức của ngành giao thông vận tải cần giải quyết. Muốn giải quyết được điều này không thể không đề cập đến vai trò tuyên truyền của cơ quan báo chí.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, các cơ quan báo chí, các nhà báo thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, báo chí là nơi tiếp nhận, chuyển tải tới Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng những mong muốn, yêu cầu cũng như các ý kiến phản biện, những sáng kiến, giải pháp của các chuyên gia, nhà quản lý và người dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giúp các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật, chính sách cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình thực thi nhiệm vụ, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, ông Nguyễn Phương Lâm (Doanh nghiệp vận tải Phương Lâm – Hải Phòng) nhìn nhận, dưới góc độ của ngành giao thông, báo chí đã hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nói lên được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của bản thân. Đối với ngành giao thông vận tải nói chung, lĩnh vực vận tải nói riêng, trong nhiều năm, qua báo chí luôn là một kênh hết sức hiệu quả giúp các doanh nghiệp phát triển được thương hiệu, tạo sức lan tỏa.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế sau tàn phá của COVID-19, cộng  thêm tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine nên doanh nghiệp càng khó khăn, lúc này vai trò đồng hành của báo chí càng quan trọng. Doanh nghiệp cần nhiều hơn những bài báo về những bất ổn tác động tới doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách, dự báo… giúp doanh nghiệp cập nhật kịp thời để điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Là người đã có hơn 10 năm thông tin về hoạt động của ngành giao thông, tác giả bài báo đã tự rút ra nhiều bài học cho riêng mình. Đó là trước một sự việc cần phải “nghe bằng hai tai”, tiếp cận thông tin một cách trung thực, chính xác và đa chiều. Nếu không tiếp cận, phân lượng thông tin, vô tình báo chí có thể gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Quang Toàn (TTXVN)
Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài 3: Cầu nối chính sách tới doanh nghiệp
Báo chí đối thoại minh bạch với doanh nghiệp - Bài 3: Cầu nối chính sách tới doanh nghiệp

Với chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp mà Đảng và Chính phủ tích cực triển khai trong nhiều năm qua, đội ngũ báo chí luôn đi đầu trong việc truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thông tin; tuyên truyền về đường lối chính sách của Nhà nước tới cộng đồng kinh doanh; đồng thời, phản ánh những khó khăn, bất cập và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải. Báo chí trở thành cầu nối thông suốt để các chính sách kinh tế không ngừng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong đời sống thực tiễn của doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN