Theo Báo cáo công tác điều hành giá xăng dầu, từ đầu năm 2019 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, đồng thời biểu thuế bảo vệ môi trường mới áp dụng từ ngày 1/1/2019 cũng làm tăng giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, với mục tiêu điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước (dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20/3/2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 đến nay (hết ngày 16/5/2019) đã được thực hiện qua 9 kỳ điều hành. Trong đó, xăng E5RON92 có 1 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng giá và 4 lần giữ ổn định giá; xăng RON95-III có 1 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng giá và 4 lần giữ ổn định giá; dầu diesel có 1 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng giá và 4 lần giữ ổn định giá; dầu hỏa có 1 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng và 4 lần giữ ổn định giá; dầu mazut có 1 lần điều chỉnh giảm, 4 lần điều chỉnh tăng và 4 lần giữ ổn định giá.
Theo Báo cáo trên, về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cho việc bình ổn thị trường theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 364/TB-BCĐĐHG ngày 19/4/2019 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân; đồng thời tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5RON92, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện tốt hơn việc quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế, nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn; phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để ngày càng hoàn thiện hơn công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương, các tổ chức, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền về mặt hàng xăng E5RON92 nhằm khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ môi trường.