Bàn thảo cụ thể hóa Luật Thủ đô

Sáng 1/7, kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa 14 đã chính thức khai mạc.

Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh: Kỳ họp này của HĐND thành phố thảo luận và thông qua 11 Nghị quyết để thể chế hóa Luật Thủ đô; lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu; kiện toàn nhân sự, tăng cường đại biểu chuyên trách ở các ban HĐND để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của HĐND thành phố.


Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2013, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhằm đưa Luật Thủ đô vào đời sống. Tập trung tái cơ cấu kinh tế, đưa ra các giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thành phố cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong điều hành và đổi mới tư duy làm việc, trong đó đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết các thủ tục. Tại kỳ họp này, ngoài việc tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, thảo luận thông qua các vấn đề để thể chế hóa Luật Thủ đô; kiện toàn nhân sự... để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, HĐND thành phố còn lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu. Đây là một nội dung quan trọng của các địa phương trên cả nước nói chung, HĐND thành phố Hà Nội nói riêng. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HDND bầu phải công tâm, khách quan, minh bạch, mang tính xây dựng; không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để hạ thấp uy tín của nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị, HĐND thành phố tập trung thảo luận, đánh giá kết quả cũng như hạn chế, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh cải cách hành chính bằng những chương trình hành động thiết thực. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình của Hà Nội, cũng như những đòi hỏi của cuộc sống, các cấp chính quyền cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt Luật Thủ đô.


Theo đánh giá UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tăng 7,67%, (thấp hơn kế hoạch cả năm đặt ra 8,0-8,5%). Trong khi đó, mức thu ngân sách đạt thấp hơn mức cùng kỳ năm trước, ước đạt 62.635,9 tỷ đồng (đạt 38,8% dự toán), thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó có nhiều khoản thu đạt thấp liên quan tới sản xuất kinh doanh, như thu thuế doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ đạt 27,5% dự toán, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 35,1% dự toán... Nguyên nhân được cho là thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên cũng có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý và tổ chức thu, đôn đốc thu hồi nợ...


Đánh giá thẩm tra của HĐND cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng chậm lại ở một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp ở cả trong nước và nước ngoài. Tổng đầu tư xã hội mặc dù tăng cao hơn so với cùng kỳ, song vẫn thấp hơn kế hoạch năm; tăng trưởng tín dụng đã khá hơn nhưng tỷ lệ nợ xấu lại có xu hướng tăng, tình trạng chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến giữa các doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho rằng: Để đạt mức tăng trưởng như kế hoạch, thành phố Hà Nội cần nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Cần thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp: Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thực hiện các chính sách tài khóa; tháo gỡ thị trường bất động sản trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của thành phố; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.


Nguyễn Văn Cảnh- Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN