Trong báo cáo APCI 2020, nhóm này có mức độ đánh giá cải thiện tăng 0,5 điểm lên 68,6 điểm so với 2019. Phân tích các chi phí thành phần cho thấy, sự cải thiện này không phải thực chất, tuy chi phí trực tiếp giảm 28% so với năm 2019, nhưng thời gian thực hiện lại tăng gấp đôi và chi phí tuân thủ tăng 39%. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp chỉ ra, gánh nặng đối với doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng lên đáng kể.
Chi phí dịch vụ trọn gói trung bình 112,5 triệu đồng/thủ tục
Qua khảo sát trong năm 2020 đối với ba thủ tục hành chính của nhóm này là: Xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án cho thấy, trong 61,5 giờ để thực hiện thủ tục hành chính, doanh nghiệp dành hầu hết thời gian cho khâu chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, chiếm khoảng 82,2% tổng thời gian.
Theo chia sẻ của các cán bộ quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản không có hoặc không công bố danh mục đơn vị tư vấn môi trường đáp ứng năng lực, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thuê phải “các đơn vị tư vấn năng lực kém nên kết quả báo cáo đánh giá tác động môi trường không đạt yêu cầu khi thẩm định”, “phải sửa đi sửa lại nhiều lần”.
Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chi phí dịch vụ trọn gói trung bình là 112,5 triệu đồng/thủ tục hành chính, thấp nhất khoảng 8,5 triệu đồng, mức cao nhất được ghi nhận là 500 triệu đồng, bao gồm cả các chi phí kiểm thử. Trong khi chi phí chính thức bình quân mỗi doanh nghiệp khoảng 3,1 triệu đồng, chi phí không chính thức trung bình là 11,5 triệu đồng.
Ngoài ra, thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cũng phụ thuộc vào khu vực, vùng miền. Xếp cuối bảng về chi phí thủ tục hành chính là khu kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, cần 104,6 giờ để thực hiện thủ tục hành chính (cao gấp 1,7 lần mức trung bình cả nước), chi phí trực tiếp 8,2 triệu đồng (cao gấp 2,6 lần so với chi phí trực tiếp trung bình của cả nước). Bên cạnh đó, ghi nhận một số địa phương thực hiện tốt thủ tục hành chính như Vĩnh Phúc (với mức chi phí chưa đến 1 triệu đồng/thủ tục hành chính), Bình Thuận thời gian chỉ còn 23,5 giờ (bằng 38% thời gian trung bình của cả nước).
Cải thiện chi phí tuân thủ song song với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Dựa trên những kết quả khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu báo cáo và Luật Bảo vệ môi trường, báo cáo APCI 2020 chỉ ra những đột phá đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” hướng tới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Kết quả APCI 2020 cho thấy xu hướng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường tăng qua các năm, các nhà đầu tư sẽ phải tập trung nhiều hơn để tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong một số quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến phức tạp, các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường vừa thiếu lại chồng chéo, trùng lắp, phân tán, thiếu sự liên thông, tích hợp, dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính.
Vấn đề khó khăn nhất của các thủ tục hành chính về môi trường từ phản ánh của doanh nghiệp và phân tích các kết quả khảo sát APCI 2020 cho thấy chính là sự hạn chế trong việc công khai, minh bạch cả về quy định thủ tục hành chính để thực hiện, cùng các thông tin dự án để cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan có thể giám sát theo dõi.
Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị về cải cách thủ tục hành chính của nhóm môi trường mà các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện và tiếp tục phải đẩy mạnh như: Xây dựng, áp dụng mô hình chuẩn về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bao gồm cả cơ chế theo dõi tiến trình thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh chia sẻ thông tin giữa các địa phương để hướng tới mục tiêu xử lý trực tuyến 100% văn bản, giấy tờ trên cả nước. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm một số bước thực hiện thủ tục để tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp (ví dụ như, thực hiện một số thủ tục qua cổng thông tin điện tử, bổ sung hình thức xác nhận khi nộp hồ sơ, trong trường hợp mất giấy hẹn, doanh nghiệp vẫn có thể nhận kết quả…).
Khuyến nghị khác được nêu trong báo cáo APCI 2020, đó là sử dụng một hệ thống mẫu biểu hồ sơ thống nhất ở tất cả các địa phương và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp (qua cán bộ tư vấn, đường dây nóng…) trong bước chuẩn bị hồ sơ; thực hiện sơ đồ hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo đặc thù phân công nhiệm vụ tại mỗi địa phương, cơ quan nhà nước, để người dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực hiện. Cùng với đó, đồng bộ hóa thông tin giữa các sở, ban, ngành có liên quan đến xử lý thủ tục hành chính môi trường, giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.