Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: Đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, APCI 2020 đã mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thời gian tới.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, bên cạnh những bài học từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách. Đó là việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.
Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường,… là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. APCI 2020 cũng phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.
Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy, những nhóm TTHC nào được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm. Định hướng xây dựng chính quyền điện tử với các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19. APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử.
Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó. Đây là xu hướng rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
Bài học rút ra từ APCI năm nay được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách. Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Báo cáo nhận được sự chỉ đạo trực tiếp về nội dung của TS. Mai Tiến Dung – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC và TS. Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách TTHC. Báo cáo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) và được thực hiện bởi Công ty Tư vấn Quản lý MCG và Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cùng với sự đóng góp ý kiến của Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC và các chuyên gia.