APCI 2020 được xây dựng nhằm tiếp tục đánh giá chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giải quyết, qua đó xác định những nhóm thủ tục đã và đang là gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp. Đồng thời, Báo cáo có thể được sử dụng như một trong những thước đo về hiệu quả của những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở cấp Trung ương (cấp ban hành chính sách) và cấp địa phương (cấp thực thi) nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, chất lượng quản trị công của bộ máy hành chính nhà nước các cấp và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp sẽ phải chi trả khi thực hiện thủ tục hành chính là chi phí thời gian (thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về thủ tục hành chính cho đến khi hoàn tất việc thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành) và chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện để nhận được kết quả của thủ tục hành chính.
Qua khảo sát 9 nhóm thủ tục cho thấy, chi phí tuân thủ cao nhất thuộc về nhóm thủ tục môi trường với mức chi phí trung bình lên đến 63,3 triệu đồng/thủ tục, đứng liền sau là nhóm xây dựng ở mức 25,27 triệu đồng/thủ tục. Chi phí tuân thủ thấp nhất thuộc về nhóm thuế, trung bình 267.000 đồng/thủ tục, nhóm khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh ở mức 952.000 đồng/thủ tục. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đất đai, giao dịch thương mại qua biên giới, điều kiện kinh doanh, đầu tư có mức chi phí tuân thủ từ 3 triệu đồng đến hơn 9 triệu đồng.
Nhiều khuyến nghị cải cách từ APCI 2020 đã được đưa ra, trong đó, vấn đề đầu tiên được đề cập đến là đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường phương thức giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp qua môi trường mạng trên nền tảng các hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ, liên thông.
Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm các thủ tục hành chính, lĩnh vực, dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để doanh nghiệp có được đầu mối tìm kiếm và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mà không lo ngại về khoảng cách địa lý hay dịch bệnh. Trong thời gian tới, Chính phủ nên tập trung áp dụng các thủ tục hành chính điện tử đối với các thủ tục đơn giản, có số lượng người thực hiện đông, tần suất thực hiện nhiều, ví dụ như thủ tục cấp lý lịch tư pháp để đủ điều kiện thực hiện các thủ tục hành chính khác trong hoạt động kinh doanh. Chính phủ cần có quy định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; xây dựng cơ chế phản hồi sớm cho doanh nghiệp về khả năng vi phạm các quy định pháp luật, thay vì kiểm tra, thanh tra mang tính truy cứu về hành vi.
Báo cáo khuyến nghị chú trọng và chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực và thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, giao cơ quan đầu mối về cải cách thủ tục hành chính tổ chức hoạt động trọng tâm về hướng dẫn và đào tạo lại đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận/tư vấn/giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính.
Các bộ, ngành phối hợp với địa phương định kỳ hàng tháng, quý tổ chức các chương trình hội thảo, lớp tập huấn nội bộ để phổ biến và làm rõ các quy định liên quan tới thủ tục hành chính (bao gồm nội dung, lý do cần thiết, ý nghĩa của thủ tục hành chính mới, các vấn đề về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục và các hướng dẫn áp dụng, các chế tài liên quan...), kết hợp với việc rà soát và tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng thủ tục mới hoặc bãi bỏ thủ tục hiện hành, trọng tâm hướng vào đội ngũ cán bộ thực thi thủ tục hành chính để cập nhật thông tin và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục. Đồng thời, có chế tài quyết liệt và rõ ràng hơn đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ giải quyết thủ tục hành chính, góp phần giảm thiểu các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
APCI 2020 nêu lên yêu cầu về đổi mới phương thức và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối với việc công bố, công khai và giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, thông tin hướng dẫn về quy trình thực hiện thủ tục cần được sơ đồ hóa các bước theo hướng đơn giản, dễ hiểu, thống nhất giữa các địa phương và công bố cho người dân thông qua website của cơ quan thực hiện. Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không đúng thời gian như quy định cần có nhật ký giải trình và được ghi lại để hình thành bộ dữ liệu liên quan, phục vụ giải đáp công khai trên website cho người dân/doanh nghiệp tìm hiểu, rút kinh nghiệm khi thực hiện các thủ tục. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chỉ số và thước đo tích hợp trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phản ánh tương tác thực tế của người dân và doanh nghiệp với các thông tin được công khai, nhằm cải thiện liên tục hiệu quả quá trình này.
Song song với nỗ lực trên, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng các xu hướng cải cách có thể mang lại sự đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công như: cơ chế bảo lãnh (cơ chế bảo lãnh thông quan đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg) để huy động khu vực tư nhân vào cuộc, san sẻ một phần trách nhiệm cùng các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện các nỗ lực cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân; cơ chế xã hội hóa dịch vụ công - một cơ chế đã được áp dụng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế hay công chứng tư nhân với các lựa chọn khác nhau về thời gian, mức phí cho người dân, doanh nghiệp.
“Các nỗ lực kể trên phải có quá trình truyền thông những cải cách thực sự hiệu quả đi kèm để lan tỏa tinh thần, nỗ lực cải cách của Chính phủ tới từng người dân, doanh nghiệp và tiếp nhận sự tham gia, cổ vũ và động viên của người dân và doanh nghiệp trong từng hoạt động cải cách đó”, Báo cáo APCI 2020 khuyến nghị.