Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Cải cách hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhờ vậy, kết quả cải cách hành chính ở Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hệ thống văn bản pháp luật từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất; điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên tục được nâng cao, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện đáng kể; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trong cung cấp dịch vụ công có nhiều đột phá...
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng cho biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 được Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Kết quả là trong thời gian vừa qua lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng 5,89%, năm 2015 tăng 6,68% và GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng 7,02%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm đều tăng cả về số dự án và số vốn thực hiện: năm 2019 tăng hơn 2.842 dự án và tăng gấp hơn 3,3 lần so với năm 2011, số vốn thực hiện tăng hơn 9,3 tỷ đô la Mỹ, gấp hơn 1,8 lần so với năm 2011. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới năm 2019 tăng hơn 60.600 so với năm 2011...
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng trong phần định hướng về giai đoạn 2021 - 2030 Báo cáo cần đánh giá sâu và kỹ hơn về kết quả thực hiện các nội dung theo Chương trình tổng thể, không chỉ dừng ở việc liệt kê những công việc đã làm mà cần phải phân tích, đánh giá đến kết quả tác động cuối cùng của những công việc đã làm. Đặc biệt là cần so sánh, đối chiếu với mục tiêu của Chương trình tổng thể đã đặt ra để thấy nội dung nào đã đạt được, nội dung nào chưa đạt được, tổng thể mục tiêu của Chương trình có đạt hay không, đạt ở mức độ nào…
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị, trong mỗi nội dung cải cách cần nêu những hạn chế của chính nội dung đó như về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức… chứ không chỉ nêu tồn tại, hạn chế của các biện pháp thực hiện để thấy bức tranh rõ nét hơn nền hành chính của Việt Nam hiện nay như thế nào, làm cơ sở cho đề xuất những nội dung cải cách hành chính Nhà nước ở giai đoạn sau.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính hình sự (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển cho rằng trong giai đoạn này hệ thống pháp luật nước ta được hoàn thiện một bước quan trọng. Nhiều luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết trong các lĩnh vực về tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng…. được kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, lĩnh vực cải cách hành chính giai đoạn này đã thu được nhiều kết quả, thể hiện qua các con số, đặc biệt là về tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, hệ thống pháp luật được đồng bộ hơn, tạo sức mạnh và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Qua 10 năm triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa liên thông và quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc kiểm soát quy định về thủ tục hành chính ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thể chế. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới...
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp. Do đó, trong giai đoạn tới, cần chuyển trọng tâm từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế, tập trung đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử...