Hiện, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, người dân bản Lao Khô đang từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, tăng cường đoàn kết với người dân nước bạn Lào ở bên kia biên giới.
Cuộc sống ấm no Những ngày tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại bản Lao Khô. Khác với 5 năm trước, con đường bằng đất lầy lội năm nào giờ đã được rải nhựa bằng phẳng. Không còn những "ổ gà, sống trâu" mà chúng tôi đã từng rất vất vả mới vượt qua được để đến bản. Giờ đây, con đường nhựa rộng rãi được nối thẳng từ trung tâm xã đến tận bản vùng biên này.
Thu hái mận ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. |
Trưởng bản Lao Khô Tráng Lao Khai phấn khởi cho biết: Con đường nhựa từ xã vào bản được hoàn thành cách đây hơn 1 năm. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ở đây đã thay đổi rõ rệt so với trước. Người dân yên tâm sản xuất. Từ khi có đường nhựa, cứ đến vụ ngô, vụ mận, thương lái lại đưa xe ô tô vào tận bản để thu mua.
Có thể thấy, việc đường giao thông đi lại thuận tiện đã tác động lớn đến cuộc sống của đồng bào ở đây. Trước đây, cứ đến mùa thu hoạch người dân là phải vận chuyển nông sản ra xã, ra huyện để bán. Điều đó vừa vất vả, tốn kém chi phí, nông sản lại bị thương lái mua với giá thấp. Giờ đây có hệ thống giao thông thuận lợi, người dân bản Lao Khô đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Giữa vườn mận rộng gần 2 ha, quả chín đỏ đang vào kỳ cho thu hoạch, chị Tráng Thị Số ở bản Lao Khô chia sẻ: Từ nhiều năm trước, gia đình chị đã trồng mận, nhưng vì không được giá nên lại chặt đi để trồng ngô. Những năm gần đây, khi việc giao lưu, buôn bán thuận lợi hơn và được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, gia đình chị lại trồng cây mận trở lại. Giờ đây với 2 ha mận cho quả, với giá cả như hiện nay, ước tính gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng.
Cũng như gia đình chị Số, nhiều hộ dân khác ở Lao Khô đã nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt của việc trồng mận nên đã chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay, bản Lao Khô có hơn 50 ha mận, trong đó có gần 20 ha đang cho thu hoạch. Ước tính, sản lượng hàng năm đạt gần 300 tấn quả, mang lại cho dân bản nguồn thu nhập trên 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát triển các loại cây ăn quả, người dân bản Lao Khô cũng còn tập trung chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, đàn gia súc của bản đã lên đến hơn 600 con. Nhờ tích cực phát triển sản xuất, đời sống nhân dân ở bản Lao Khô ngày càng được nâng lên. Số hộ khá giả ngày càng tăng lên, số hộ nghèo, hộ đói ở bản đã giảm từ 70% (năm 2012) xuống còn hơn 40% hiện nay.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân bản Lao Khô cũng được nâng lên đáng kể. Với sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống điện lưới quốc gia và trường Mầm non, Tiểu học cũng đã được xây dựng tại đây. “Điều kiện sinh hoạt của chúng tôi ở đây giờ đã gần tương đương với trung tâm xã, cuộc sống của bà con đã thực sự chuyển mình, không còn khó khăn, thiếu thốn như những năm trước nữa”, Trưởng bản Lao Khô Tráng Lao Khai cho biết thêm.
Giữ vững tình đoàn kết Tự hào là địa phương có di tích lịch sử gắn liền với sự đoàn kết của nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, người dân ở bản Lao Khô vẫn luôn giữ gìn và phát huy tình cảm hữu nghị với nhân dân Lào qua những hoạt động thiết thực. Người dân hai bên biên giới luôn có sự giao lưu, học hỏi nhau về mọi mặt.
Được sự cho phép của lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam và Lào, chúng tôi đã có mặt ở khu vườn trồng cam Cao Phong của anh Giàng Lao Bi ở bản Nà Khạng (cụm bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) - khu vực giáp biên với bản Lao Khô. Anh Giàng Lao Bi cho biết: Năm ngoái, anh sang bản Lao Khô thăm bà con bên đó. Anh đã được giới thiệu về giống cam Cao Phong, được biết ở bản Lao Khô đã có nhiều hộ trồng loại cây này và đã có thu nhập ổn định.
Quang cảnh bản Lao Khô hiện nay. |
Anh đã nhờ mua giống cam này về để trồng. Có cây rồi, anh lại được các bạn Việt Nam sang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Anh hi vọng vài năm nữa, cây sẽ có quả, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Câu chuyện trồng cam của anh Giàng Lao Bi chỉ là một ví dụ trong việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa nhân dân hai bên khu vực biên giới Việt Nam và Lào.
Những năm qua, chính quyền bản, xã và nhân dân hai bên luôn có sự trao đổi qua lại để giúp nhau phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài Đặng Văn Cương cho biết, bản Lao Khô và cụm bản Nà Khạng của Lào có những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý. Do đó, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho người dân hai bên học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, hàng năm xã Phiêng Khoài và nhân dân bản Lao Khô luôn hỗ trợ kịp thời người dân bản Nà Khạng trong những hoạt động hàng ngày như chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; giao lưu văn hóa, thể thao và các dịp Tết cổ truyền của hai bên.
Nói về sự đoàn kết, tình cảm gắn bó keo sơn của nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào không thể không nói đến hoạt động kết nghĩa bản với bản đối diện. Từ năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hủa Phăn(Lào) đã phối hợp tổ chức hoạt động ý nghĩa này. Bản Lao Khô và Cụm bản Nà Khạng đã được chọn làm điểm để triển khai. Sau 5 năm thực hiện, việc kết nghĩa đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân hai bên biên giới. Người dân hai bên đã thuận tiện hơn trước trong việc qua lại thăm gia đình, bạn bè. Do trước đây, người dân phải đi hàng chục km mới xin được giấy xác nhận để qua biên giới. Hiện nay, việc đi lại trong khu vực của hai bản dễ dàng hơn.
Trung úy Phạm Duy Khánh, Trạm kiểm soát Biên phòng Keo Muông (Đồn Biên phòng Chiềng On, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) đơn vị quản lý hoạt động biên giới tại bản Lao Khô cho biết, hoạt động kết nghĩa bản với bản hai bên biên giới đã góp phần củng cố, thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân vùng biên. Từ đó, góp phần quan trong vào việc xây đắp tình hữu nghị đặc biệt, lâu đời giữa hai quốc gia, là minh chứng sinh động về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.