Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý đối với 3 dự thảo luật gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là những dự án luật có ý nghĩa chính trị và pháp lý quan trọng, tạo cơ sở nền tảng vững chắc giúp lực lượng Công an nhân dân chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về an ninh, trật tự, triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.
Hầu hết các đại biểu cho rằng, xuất phát từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó có nguyên nhân là những quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, chưa được pháp luật quy định cụ thể hoặc chưa phù hợp với một số luật chuyên ngành, từ đó làm giảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động của lực lượng Công an nhân dân. Do vậy việc điều chỉnh, bổ sung một số điều trong luật là rất cần thiết, góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác quốc phòng - an ninh, là minh chứng cho phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, đồng thời đảm bảo nguyên tắc kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.
Gần 50 ý kiến đóng góp trực tiếp và gián tiếp của các đại biểu được gửi tới Hội nghị. Trong đó, hầu hết ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành các luật; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; những quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, không đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý ở lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam…
Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Công an tỉnh Thái Nguyên tổng hợp và báo cáo Bộ Công an nhằm phục vụ quá trình xây dựng dự án Luật.